Chiều 18-11 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng). Cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng; thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2018; riêng sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ nên số mắc, số chết tăng so với cùng kỳ; số mắc tay chân miệng tăng 0,5%.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách, Quản lý và Điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa Đông Xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV... Các bệnh lưu hành tăng cao tại nhiều khu vực, đặc biệt tại châu Á - Thái Bình Dương. Các bệnh nguy hiểm mới nổi tiếp tục ghi nhận tại châu Phi, châu Á và Trung Đông. Chuyên gia y tế dự phòng Đặng Quang Tấn cũng lo ngại rằng một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát: sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Riêng sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250 nghìn trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong.
Nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm gia tăng trong mùa Đông Xuân là do thời điểm trên là mùa lễ hội, thường tập trung đông người và gia tăng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm; thời tiết ẩm ướt kéo dài; người dân gia tăng đi lại nên có nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa.
Để chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân và mùa lễ hội, ngành Y tế sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại các cửa khẩu, đồng thời tổ chức điều tra và khoanh vùng xử lý ổ dịch và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, bên cạnh việc thực hiện tốt tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, đặc biệt đối với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não, các cơ sở y tế cần rà soát đối tượng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95%.
Trong công tác điều trị, ngành Y tế cần tập trung các nguồn lực, nhân lực để thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong. Các cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thực hiện phòng chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh./.
PV