Thu ngân sách từ thuế bị giảm xuống là một xu hướng đáng lo ngại, PGS.TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019 do VEPR phối hợp với Oxfam tổ chức ngày 13-11, tại Hà Nội.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng một trong những lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là do tập trung vào giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, thực tế lại tồn tại một nghịch lý là nguồn thu ngân sách từ thuế giảm thì chi tiêu qua thuế (nguồn thu mất đi do ưu đãi thuế) vẫn duy trì ở mức cao; dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lại bị “bỏ qua”.
Không phủ nhận tác dụng của các chính sách chi tiêu qua thuế trong sự phát triển kinh tế của quốc gia và thúc đẩy đầu tư, song chuyên gia này cảnh báo rằng đã đến lúc Việt Nam cần có lý giải hợp lý các khoản chi tiêu qua thuế cho các công ty lớn trên cơ sở phân tích hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế.
“Chúng ta không thể bỏ qua việc tính toán này vì chi phí phải đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn”, ông Johan Langerock nhận định.
Từ đó, chuyên gia này đưa ra 2 khuyến nghị cho Chính phủ Việt Nam. Thứ nhất, loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh tác động. Thứ hai, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này.
Cả 2 hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm còn Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam./.
PV