Chiều 6-11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá công tác chăn nuôi, thú y 10 tháng đầu năm 2019; bàn biện pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi. Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Trong 10 tháng năm 2019, chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chăn nuôi lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan trên địa bàn. Theo thống kê, ước đàn lợn hiện có của tỉnh là 565,1 nghìn con, giảm 27,8%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 124.099 nghìn tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ðàn trâu hiện có 7.450 con, tăng 1,9%; đàn bò 30.040 con, giảm 1,3%... Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển, ước hiện có 8 triệu 380 nghìn con, tăng 8,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 22.402 tấn, tăng 14,9% so cùng kỳ năm 2018.
Chăn nuôi tiếp tục chuyển biến từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ tận dụng sang chăn nuôi trang trại, gia trại vừa và nhỏ. Thực hiện tốt công tác giám sát, xử lý bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi. Về bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến hết tháng 10, toàn tỉnh còn 116 xã, phường, thị trấn có dịch chưa qua 30 ngày; có 98 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày, trong đó có 21 xã, phường, thị trấn đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh đã hỗ trợ các địa phương 551,157 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ chủ hộ chăn nuôi 522,421 tỷ đồng, hỗ trợ công tiêu hủy 28,736 tỷ đồng. Qua rà soát, đã phát hiện một số sai sót trong công tác hỗ trợ, đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh.
Hiện nay nhu cầu gia tăng đàn vật nuôi để phục vụ tiêu dùng cuối năm dẫn đến việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh nên có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh ở phạm vi rộng. Ðối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, mặc dù đã từng bước được khống chế ở một số địa phương nhưng nguy cơ tái phát dịch rất cao. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Thực hiện tốt công tác quản lý đàn, giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ðối với các bệnh có vắc xin cần hướng dẫn người chăn nuôi chủ động mua vắc xin tiêm phòng theo quy trình, đảm bảo an toàn sinh học, không làm lây lan dịch do việc tiêm phòng. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chưa bị dịch thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn lợn, đặc biệt là bảo vệ đàn lợn nái đảm bảo cung cấp con giống cho các hộ đủ điều kiện tái đàn đáp ứng yêu cầu khôi phục chăn nuôi.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, các địa phương trong phát triển chăn nuôi, nhất là công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và nhấn mạnh: Các địa phương cần triển khai nghiêm túc, trách nhiệm, công khai, dân chủ, minh bạch việc thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hạn chế tối đa sai sót, giảm thiểu thắc mắc, khiếu kiện của người dân trong quá trình thực hiện. Hiện mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn rất lớn nên cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, khống chế. Trong bối cảnh tại nhiều địa phương có dịch nhưng vẫn có nhiều hộ không bị dịch bệnh và qua nhiều hội thảo đã khẳng định những hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi mật độ thoáng giảm được nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học phải được đặt lên hàng đầu để ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Về việc tái đàn lợn nuôi, các huyện, thành phố phải đảm bảo nguyên tác thận trọng, an toàn, có lộ trình và có kiểm soát chặt chẽ của hộ nuôi, chính quyền theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước mắt chỉ tái đàn ở 21 xã đã công bố hết dịch, thực hiện tái đàn ở những trang trại có quy mô từ 100 đầu lợn trở lên. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, các huyện tự xây dựng kế hoạch tái đàn, đảm bảo thận trọng, an toàn, không phát sinh dịch bệnh./.
Tin, ảnh: Văn Đại