Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt mục tiêu đề ra

07:10, 23/10/2019

Ngày 21-10, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước trong 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào ngân sách Nhà nước đạt 24,4% GDP, vượt kế hoạch là 23,5% GDP; trong đó, từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP theo kế hoạch.

Bộ Tài chính nhận định, cơ cấu thu, chi ngân sách đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo đó, tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%, giai đoạn 2016-2018 là 80,5%, lên mức 82% năm 2019 và 83,6% dự toán năm 2020. Trong khi đó, thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ mức bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30%, giai đoạn 2016-2018 là 19%, xuống còn 17,7% năm 2019 và 16,1% dự toán năm 2020.

Về cơ cấu chi, tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển tăng dần, thực hiện giai đoạn 2016-2020 ước đạt 27-28%, vượt mục tiêu kế hoạch là 25-26%. Tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 2,15 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần: dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%, năm 2020 dự kiến là 60,5%, vượt mục tiêu kế hoạch là dưới 64%. Tỷ lệ dự toán bội chi ngân sách Nhà nước giảm dần, năm 2020 dự kiến còn 3,44% GDP. Ước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,6-3,7% GDP. 

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được cải thiện so với năm 2016. Đến cuối năm 2020 dự kiến nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP. Riêng chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng từ mức 44,8% GDP năm 2016 lên 45,5% GDP năm 2020 (giới hạn là 50% GDP) chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả nước ngoài của doanh nghiệp tăng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính vẫn còn một số khó khăn tồn tại như tỷ lệ huy động từ thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, năm 2020 dự kiến là 19,4% GDP, chủ yếu do đóng góp từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm nhanh, trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao. Đồng thời, việc chậm triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm cũng khiến việc thực hiện mục tiêu thu nội địa bình quân cả giai đoạn khoảng 84-85% gặp nhiều khó khăn.  Việc giao dự toán thu của 3 khu vực kinh tế thường cao hơn khả năng thực hiện, đồng thời trong những năm qua, đóng góp thu của một số doanh nghiệp lớn như thuốc lá, rượu bia, thép,... tăng trưởng chậm, nên điều hành gặp khó. Cơ cấu lại chi đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, phân bổ còn dàn trải, triển khai kế hoạch đầu tư công hàng năm chậm. Chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước ước vượt kế hoạch 2 triệu tỷ đồng, nhưng số vượt là của ngân sách địa phương tăng 300 nghìn tỷ đồng, chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ công so với GDP tuy đã có xu hướng giảm, nhưng còn nhiều rủi ro. Trường hợp giải ngân vốn vay theo đúng kế hoạch, thì nợ công có thể tăng thêm khoảng 1,7-1,8% GDP.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xử lý tài chính một số doanh nghiệp Nhà nước, cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với một số dự án quan trọng (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Vinashin...) sẽ tác động không nhỏ đến ngân sách, nợ công./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com