Chiều 14-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Cùng dự có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các hợp tác xã. Dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta, có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và đại diện các hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta. |
Theo báo cáo tại hội nghị của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhận thức, các quan điểm phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của nhân dân về mô hình hợp tác xã kiểu mới được nâng cao, từng bước hiểu rõ bản chất hợp tác xã kiểu mới, gắn với lợi ích của từng thành viên, thấy được vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí, vai trò của hợp tác xã đối với phát triển kinh tế hộ thành viên, kinh tế địa phương nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung dần được khẳng định. Cùng với đó, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết và hơn 7 năm kể từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào cuộc sống, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 57% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp, khoảng 50-80% trong tổng số hợp tác xã phi nông nghiệp. Về tổ hợp tác, đến nay, cả nước có hơn 101.400 tổ hợp tác, tăng 0,58% so với năm 2003; thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng 57,3%; có khoảng 1,1 triệu lao động thường xuyên, tăng 11,2%; doanh thu bình quân đạt 408 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, tăng 75,7%; thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/lao động/năm, tăng 21%... Về hợp tác xã, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã, tăng 59% so với năm 2003; thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia; số lao động làm việc trong hợp tác xã là 1,2 triệu người, tăng khoảng 14,8%; doanh thu bình quân đạt hơn 4,4 tỷ đồng/hợp tác xã/năm, tăng gấp 5,2 lần; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/năm, tăng khoảng 133%... Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh qua các năm, từ 969 hợp tác xã thành lập mới năm 2003 lên 2.521 hợp tác xã thành lập mới năm 2018, tăng gấp 2,6 lần, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Cả nước có 74 Liên hiệp Hợp tác xã, giai đoạn 2003-2018 thành lập mới 51 liên hiệp, giải thể 28 liên hiệp. Các Liên hiệp Hợp tác xã hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 52,7%; thu hút 375 thành viên, tăng 324 thành viên so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,2 nghìn lao động, với tổng số vốn hoạt động hơn 441 tỷ đồng; doanh thu bình quân 1 Liên hiệp Hợp tác xã đạt 944 triệu đồng/năm... Mặc dù vậy, đóng góp của khu vực hợp tác xã vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, trung bình đạt khoảng 4%. Tuy nhiên, đóng góp thông qua kênh gián tiếp, tác động tới kinh tế hộ thành viên là khá tích cực, góp phần nâng tỷ trọng của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đạt 30% GDP cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, nhất là nhận thức về kinh tế tập thể thời gian qua đã chuyển biến tích cực xuyên suốt các cấp, ngành trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, các cấp, ngành cần tiếp tục giữ vững quan điểm khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ nhu cầu của người dân, tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của tổ chức hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và cả nước. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu chính trị, kinh tế và xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong tổ chức phát triển kinh tế tập thể ở địa phương theo phương châm “Ba đồng hành - Năm hỗ trợ”. Phát huy vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cả bộ máy chính trị trong phát triển kinh tế tập thể với phương châm “khuyến khích, hỗ trợ, học hỏi, truyền bá”. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là hợp tác xã. Ưu tiên đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, từng bước ứng dụng công nghệ cao hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các cấp, ngành quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về hợp tác xã, ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản lý và tư duy kinh tế, thương mại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổng hợp nội dung báo cáo, tham luận tại Hội nghị để báo cáo Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Các địa phương đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hợp tác xã trong điều kiện mới đối với các thành viên hợp tác xã và cộng đồng dân cư. Chủ động cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 4 tập thể, Bằng khen của Chính phủ cho 95 tập thể và 93 cá nhân trên toàn quốc đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể./.
Tin, ảnh: Đức Toàn