Sáng 12-9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá sản xuất vụ đông 2018 và kế hoạch triển khai vụ đông năm 2019 các tỉnh phía Bắc.
Tại các tỉnh phía Bắc, vụ đông được xem là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm và đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành trồng trọt.
Vụ đông 2018, diện tích gieo trồng đạt 384,2 nghìn ha, giảm 3,8 nghìn ha so với vụ đông năm 2017. Một số loại cây trồng như: ngô đạt 44,5 tạ/ha, đậu tương 16,5 tạ/ha, lạc 21,5 tạ/ha… Tổng giá trị cây trồng vụ đông 2018 đến thời điểm hiện tại đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng. Tuy diện tích và sản lượng vụ đông có giảm so với năm 2017 nhưng giá trị tăng lên là do cơ cấu cây trồng vụ đông đã có sự chuyển dịch từ cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao như: nhóm cây dược liệu, nhóm rau ăn củ, ăn quả chất lượng cao; ngô thực phẩm; hoa chất lượng; cây cảnh; sản xuất trong nhà màng, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường đầu ra ổn định.
Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2019, ngành Nông nghiệp phấn đấu tăng diện tích đạt kế hoạch 400 nghìn ha (tăng 15,8 nghìn ha so với vụ đông 2018), sản lượng đạt gần 4,8 triệu tấn (tăng 282 nghìn tấn so với vụ đông 2018); tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp đa dạng như: Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững; tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân; phát triển nhóm cây trồng chủ lực ngô, đậu tương, khoai tây, rau đậu các loại; mở rộng diện tích các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột, bí xanh, cây dược liệu, các loại nấm; đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt và các địa phương tăng cường điều tra, dự tính, dự báo chính xác, kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại cuối vụ; hướng dẫn, chỉ đạo nông dân kỹ thuật, biện pháp phòng trừ. Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra; chủ động công việc tiêu thoát nước, đảm bảo giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ tốt cho sản xuất./.
Theo baotintuc.vn