Chiều 12-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, hướng đến cột mốc năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Hội nghị có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, cùng hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Ðảng, Chính phủ, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch hành động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế. “Tất cả cùng chung tay, cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc”.
Tại các phiên hội thảo chuyên đề sáng 12-9, Hội nghị đã thảo luận về nhiều chủ đề quan trọng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhân rộng mô hình hợp tác công tư, cải thiện nguồn nhân lực hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) mang đến Hội nghị báo cáo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công tư hướng tới thập niên phát triển bền vững hơn”.
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thì cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa, như sớm ban hành Luật Ðầu tư theo hình thức PPP, thay đổi mô hình PPP hiện nay - các cơ quan quản lý PPP phải thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực để tạo điều kiện cho đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới và phát huy hiệu quả vai trò của Ủy ban Quan hệ đối tác Công - Tư trong việc thúc đẩy PPP bền vững.
Chia sẻ về chủ đề “Tăng trưởng bao trùm: Phát triển vốn nhân lực tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030”, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển Con người khu vực Ðông Á Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức chính trong đảm bảo nguồn vốn nhân lực chất lượng cao, đó là cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu sổ và tăng cường phát triển lực lượng lao động. Một số khuyến nghị được đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra bao gồm: Cải cách các chương trình Mục tiêu quốc gia, cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ đó tạo ra kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Phiên toàn thể chiều 12-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các kiến nghị từ Hội thảo chuyên đề buổi sáng cùng với các tham luận về mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; về đột phá khoa học công nghệ trong tiến trình phát triển bền vững; về xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam; về nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân;… được Hội nghị trực tiếp trao đổi, thảo luận.
Hội nghị còn mang đến những thông tin và kiến nghị hữu ích từ các tham luận của đại diện cộng đồng doanh nghiệp về: Ứng dụng tư duy kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn sản xuất - kinh doanh; kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư: Xu hướng của các nhà đầu tư có trách nhiệm; Tối đa hóa lợi ích kinh tế - xã hội thông qua thực hiện phát triển bền vững - Kinh nghiệm tốt từ doanh nghiệp; Tăng cường năng lực doanh nghiệp theo định hướng hiện đại và nhân văn./.
Theo baotintuc.vn