Giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp

06:09, 25/09/2019

Ngày 25-9, tại thành phố Thái Bình, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”. Dự hội thảo có các đồng chí: Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương; Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công thương và các doanh nghiệp thương mại dịch vụ tiêu biểu của các tỉnh, thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và lân cận.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Xác định vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương thuộc vùng và lân cận đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và dịch vụ logistics. Đến nay, loại hình thương mại hiện đại, đặc biệt là siêu thị đã gia tăng nhanh tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với 233 siêu thị, chiếm khoảng 23,14% tổng số siêu thị của cả nước và chiếm 84,42% số siêu thị của vùng đồng bằng sông Hồng. Số lượng trung tâm thương mại chiếm khoảng 25,47% tổng số trung tâm thương mại của cả nước và 86,54% vùng đồng bằng sông Hồng. Trong vùng đã hình thành hệ thống kho và 27 trung tâm logistics, chiếm 57,45% tổng số trung tâm logistics của cả nước, phục vụ hoạt động thương mại nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng. Giai đoạn 2014-2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa của vùng tăng bình quân 10,74%/năm; doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn vùng năm 2018 đạt 846,73 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,17% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Tại Hội thảo, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng liên kết vùng; đáng chú ý là kinh nghiệm xúc tiến thương mại của tỉnh Thái Bình, phát triển mạng lưới logistics phục vụ xuất khẩu của thành phố Hải Phòng, hợp tác liên kết phát triển thương mại, dịch vụ với các địa phương trong vùng của thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn của tỉnh Hưng Yên, thiết lập mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp với các địa phương...

Tổng hợp các ý kiến thảo luận, Bộ Công thương thống nhất các giải pháp mà Bộ và các địa phương cần tập trung thực hiện để tăng cường hiệu quả phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là: Bộ tập trung thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Chú trọng xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế và pháp luật trong nước, sớm hoàn thiện các quy định có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong các cam kết quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đến các địa phương, doanh nghiệp trong vùng để thay đổi kịp thời phương thức sản xuất, kinh doanh nhằm tiếp cận với thị trường thế giới. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý trong phát triển hạ tầng thương mại, bổ sung các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu thương mại, đặc biệt khu vực nông thôn. Nghiên cứu xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp, phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với nhà sản xuất. Về phía các địa phương cần tăng cường kết nối cung - cầu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng mạng lưới thông tin của vùng nhằm hỗ trợ hoạt động điều phối, lưu thông hàng hóa liên vùng; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh và đặc thù của vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng logistics và tối ưu hóa khai thác hệ thống logistics của vùng để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sản xuất, khai thác thế mạnh cửa khẩu, cầu cảng; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường giữa các địa phương trong vùng./.

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com