Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và lồng ghép các nguồn vốn khác, năm học vừa qua các địa phương đã đầu tư xây dựng bổ sung 14.308 phòng học. Trong đó, một số tỉnh có số lượng phòng học bổ sung lớn như: Bắc Giang với 1.271 phòng, Vĩnh Phúc 1.178 phòng; Thanh Hóa 1.820 phòng, Thừa Thiên Huế 1.176 phòng học...
Việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục... cũng được ngành giáo dục các địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để chú trọng triển khai. Ðến cuối năm học 2018-2019, tình trạng thiếu nhà vệ sinh, công trình nước sạch ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cơ bản đã được khắc phục theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 38.165 công trình nước sạch và 60 nghìn nhà vệ sinh được xây mới trong năm học vừa qua.
Dù đã được quan tâm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp của một số địa phương còn hạn hẹp. Một số nơi, việc đầu tư lại còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Tính đến hết năm học 2018-2019, tỷ lệ phòng học kiên cố của cả nước vẫn ở mức thấp, chỉ đạt bình quân khoảng 74,9%. Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Ðắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%; Sóc Trăng 48,1%. Việc phát triển hệ thống trường, lớp ở miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do địa bàn dân cư thưa thớt, không tập trung, giao thông không thuận lợi. Cơ sở vật chất trường học của một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục.
Xác định tăng cường cơ sở vật chất là một nhiệm vụ chính của năm học 2019-2020, nhất là khi chỉ còn một năm nữa là chương trình phổ thông mới sẽ được triển khai, ngành giáo dục và đào tạo nhận thức rằng, đây là bài toán khó, cần sự quan tâm và chung tay vào cuộc của các cấp bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương./.
PV