Ngày 13-8, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp và 120 hộ chăn nuôi, chủ trang trại nuôi lợn tại các địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh ta vào ngày 8-3-2019 tại một hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Trực Thắng (Trực Ninh). Từ đó đến ngày 11-8, toàn tỉnh có 35.245 hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 249.571 con, chiếm 31% tổng đàn. Hiện còn 147 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày; trong đó có 7 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày nhưng sau đó dịch lại tái phát. Có 67 xã, phường, thị trấn dịch đã qua 30 ngày; trong đó có 23 xã, phường, thị trấn đã công bố hết dịch. Dịch diễn biến lây lan rất nhanh, đường lây truyền đa dạng, phức tạp và xuất hiện ở tất cả các hình thức chăn nuôi, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh dễ mắc bệnh hơn các hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại. Nguyên nhân một số trường hợp xảy ra dịch và không xảy ra dịch chưa thể giải thích đầy đủ dựa trên các dữ liệu khoa học hiện có. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh do vi rút gây ra lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam, hiện chưa có thuốc để điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi tồn tại bền vững ở ngoài môi trường, phương thức lây lan đa dạng phức tạp. Hoạt động của những người thu mua, vận chuyển bằng nhiều phương tiện qua lại các tỉnh có dịch không được kiểm soát đã đưa mầm bệnh từ nơi khác về tỉnh. Tổng đàn lợn của tỉnh lớn, mật độ chăn nuôi cao; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới trên 80% số hộ chăn nuôi lợn. Nhận thức về phòng, chống dịch của một số hộ chăn nuôi chưa cao nên còn tình trạng không thông báo cho chính quyền và cơ quan chuyên môn khi có lợn ốm và tự ý điều trị lợn bệnh hoặc bán chạy. Việc giám sát chủ động để phát hiện sớm ổ dịch chưa kịp thời; thời tiết mưa ẩm gây khó khăn cho công tác tiêu độc, khử trùng. Việc thực hiện quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn ở địa phương và hộ chăn nuôi chưa được tuân thủ đúng do số hộ, số lợn mắc bệnh quá nhiều. Việc bỏ kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh gây khó khăn cho công tác kiểm soát làm dịch phát tán lây lan nhanh… Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh ta đã từng bước được kiểm soát, tổng đàn và mật độ nuôi đã giảm mạnh, một số địa phương đã khống chế được dịch bệnh và công bố hết dịch. Vì vậy, đang có nhu cầu tái đàn để bù đắp và từng bước khôi phục chăn nuôi sau dịch. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đại biểu dự hội thảo tham luận làm rõ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, xử lý môi trường, những khó khăn liên quan đến việc tái đàn, hướng phát triển chăn nuôi lợn…
Các ý kiến đã tập trung tham luận về công tác tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; kinh nghiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn lợn không bị dịch; kinh nghiệm bảo vệ đàn lợn khi cơ sở chăn nuôi bị dịch nhưng chỉ tiêu hủy một phần; đại diện một số doanh nghiệp giới thiệu quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn, áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; giới thiệu quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh, mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, đồng hành của các cấp, ngành cùng người chăn nuôi lợn trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh trong suốt thời gian qua, từ đó đã từng bước kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây lan. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, các ngành chức năng, các huyện, thành phố và nhất là người chăn nuôi cần tiếp tục tìm hiểu, cập nhật kiến thức, thông tin để nâng cao nhận thức, khả năng thích nghi với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tập trung tổ chức, cơ cấu lại ngành chăn nuôi đảm bảo phù hợp với khả năng thực tế của từng địa phương, đơn vị và từng hộ nuôi để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Phải xác định và phấn đấu để người chăn nuôi là chủ thể và là nhà đầu tư thông minh; không phát triển chăn nuôi lợn theo phong trào, giảm tỷ lệ hộ nuôi lợn nhỏ lẻ, tự phát. Các hộ chăn nuôi phải rà soát lại từng khâu từ lựa chọn con giống, xây dựng chuồng trại, chọn lựa thức ăn đến việc thực hiện các quy trình phòng, chống dịch bệnh, áp dụng phương pháp chăn nuôi để xem khâu nào còn yếu và thiếu để bổ sung, khắc phục ngay; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tại hội thảo và thực tiễn để hoàn thiện thành hướng dẫn chung trong toàn tỉnh về chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo hiệu quả, dễ áp dụng; hướng dẫn các hộ đủ điều kiện tái đàn, yêu cầu các chủ chăn nuôi muốn tái đàn phải thực hiện đăng ký và ký cam kết với chính quyền địa phương về số lượng, chủng loại lợn, về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học và thực hiện khai báo khi có lợn ốm chết; chính quyền địa phương kiểm tra thực tế nếu đủ điều kiện mới cho phép tái đàn. Không khuyến khích tất cả các hộ chăn nuôi tái đàn. Thực hiện ngay việc xây dựng kế hoạch chăn nuôi an toàn sinh học cho toàn tỉnh. Trong tháng 9-2019, tổ chức hội thảo tại các huyện, thành phố để chia sẻ thông tin về chăn nuôi an toàn sinh học tới người chăn nuôi trên địa bàn. Thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát việc tái đàn. Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ động đăng ký với các doanh nghiệp xây dựng 1-3 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp dự hội thảo lựa chọn một số huyện, thành phố triển khai xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lợn khép kín, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm để phát triển mở rộng; các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức từ thực tiễn ở các địa phương khác trong cả nước nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn của tỉnh tiếp tục phát triển./.
Văn Đại