Cơ hội mới cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước

07:08, 14/08/2019

Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, thời gian qua tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Tính đến hết tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.804.827 tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần. Cụ thể, 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mi ni và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại thị trường châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao bởi thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô phát triển và hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hứa hẹn sẽ mang lại điểm sáng nhất định. Hơn nữa, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Coopmart từ 90-93%; Satra 90-95%; Vinmart 96%; Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Theo các chuyên gia, tới đây sẽ có nhiều cạnh tranh giữa các nhóm siêu thị; trong đó các nhà đầu tư nội ngày càng tỏ rõ vị thế và có chiến lược chủ động, quyết liệt cạnh tranh trên thị trường bán lẻ.

Không chỉ đứng trước cơ hội mở rộng phạm vi trên thị trường nội địa, việc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước mua lại thị phần của doanh nghiệp nước ngoài còn giúp mang lại nhiều cơ hội khác khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết đi vào thực thi.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm). Tuy nhiên, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất.

Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ Công thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.

Đặc biệt, tới đây Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com