Sáng 24-6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019. Hội nghị có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, đại diện các tỉnh trọng điểm xuất khẩu gạo và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo Bộ Công thương, trước tình hình nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm (ngoại trừ thị trường Philippines), nước xuất khẩu gạo chủ lực như Thái Lan giảm đến 16% lượng gạo xuất khẩu thì Việt Nam chỉ giảm 6,3% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 1,18 triệu USD, tiêu thụ cơ bản toàn bộ lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân 2019, giữ giá lúa không giảm quá sâu, đảm bảo nông dân có lời. Đó là nhờ nhiều hoạt động điều hành linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như nỗ lực của chính các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo nhận định thị trường, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn cung lúa gạo của các nước sản xuất lớn tăng cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Indonesia.
Nếu theo dự kiến năm 2019, Việt Nam có 7 triệu tấn gạo hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, thì những tháng còn lại của năm nay, nhiệm vụ của ngành xuất khẩu gạo rất nặng nề.
Trong khi đó, dự báo giao dịch gạo toàn cầu vẫn giảm, thị trường lớn là Trung Quốc siết các tiêu chuẩn nhập khẩu gạo… Cho nên, ngoài tác động từ ngành chức năng, chính 177 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam phải chủ động đa dạng hóa thị trường, ứng dụng công nghệ vào tìm kiếm và khai thác thị trường, kết nối sản xuất theo hướng hữu cơ.
Về lâu dài, ngành công thương và ngành nông nghiệp trong nước phải bàn lại cơ cấu sản phẩm gạo và diện tích sản xuất lúa hàng hóa cho phù hợp nhu cầu thị trường, xem xét lại lịch thời vụ để giảm chi phí thu hoạch và bảo quản…
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Nhiệm vụ còn lại của năm 2019 rất nặng nề, trong đó có việc tiêu thụ hết lúa vụ hè thu cho nông dân. “Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có sự linh hoạt cao độ trong đi tìm thị trường mới để thay thế những thị trường giảm nhập khẩu. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi để thích nghi với thị trường mới. Hướng đến mục tiêu cơ bản nhất là thông qua xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân với mức giá có thể bảo đảm lợi ích cho nông dân”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh./.
Theo vov.vn