Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2019

08:05, 06/05/2019

Sáng 4-5, Ban chỉ đạo An toàn, vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2019.

Phát biểu phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2019, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về An toàn, vệ sinh lao động Lê Tấn Dũng cho biết: Năm 2018, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là nhận thức của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động được nâng lên; năng suất lao động luôn được cải thiện; điều kiện môi trường lao động có nhiều tiến bộ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động được chú trọng, tai nạn lao động được kiềm chế, giảm đáng kể, nhất là trong lĩnh vực khai thác than, điện lực, dầu khí. Khu vực có quan hệ lao động, năm 2018 số người chết đã giảm 6,6% so với năm 2017. Công tác thống kê, điều tra tai nạn lao động đã có sự quan tâm hơn của nhiều địa phương.

Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, người lao động đã có nhiều nỗ lực, đóng góp tích cực trong việc chăm lo và đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong thời gian qua.

Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại, nhất là số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2018, tai nạn lao động đã làm 1.039 người chết, đặc biệt là đối với khu vực làm việc không có hợp đồng lao động tăng 59% số người chết do tai nạn lao động. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự quan tâm chú ý nhiều hơn tới khu vực này.

Theo Thứ trưởng, trong những tháng đầu năm 2019, một số vụ tai nạn lao động trong xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vẫn tiếp tục xảy ra như sập đổ công trình xây dựng, cháy nhà xưởng làm nhiều người thiệt mạng. “Những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rất lớn, để lại những nỗi đau cho biết bao gia đình, là gánh nặng đối với xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu. Cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn chưa thực sự quan tâm đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, đầy đủ và tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm: Trong một thế giới biến động nhanh và xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta vừa phải lo tập trung phát triển kinh tế nhưng không được lãng quên những vấn đề xã hội, tất cả mọi người phải được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động phải được sự quan tâm của cộng đồng, phải trở thành những chuẩn mực chung trong các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới và phát triển bền vững.

Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tuyên bố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2019 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Để Tháng hành động được triển khai hiệu quả, thiết thực, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên, có hiệu quả các chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác đánh giá nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Coi đây là bước đột phá nhằm thay đổi từ ý thức, nhận thức thành hành động cụ thể, thiết thực của từng doanh nghiệp và người lao động.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; cần chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới cấp huyện, cấp xã, cả trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng nhận diện rủi ro, làm việc an toàn để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình./.

PV
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com