Ngày 13-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các đồng chí: Trịnh Ðình Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham gia hội nghị tại đầu cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của tỉnh và thành viên Ban chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 12-5-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy 1.220.488 con, chiếm trên 4% tổng đàn lợn của cả nước. Ðã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Ðến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Tuy nhiên, việc chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh ở nhiều địa phương chưa kịp thời; việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, chưa triệt để; chậm hỗ trợ kinh phí cho người nuôi có lợn phải tiêu hủy và chưa bố trí kinh phí phòng, chống dịch; vệ sinh sát trùng, tiêu độc chưa đáp ứng yêu cầu; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là dịch bệnh nguy hiểm nhất mà lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam phải đối mặt. Trước tình hình bệnh diễn biến rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi-rút gây bệnh có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất đa dạng... vì vậy trong thời gian tới cần tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng bộ các giải pháp phòng, chống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương phải chủ động phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh, công bố dịch bệnh theo đúng quy trình. Huy động các lực lượng để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ theo đúng quy định. Các địa phương có bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ động xem xét việc thành lập các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy, đảm bảo công khai, minh bạch để người chăn nuôi yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, an toàn sinh học. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương và các bộ, ngành, doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi đã tham luận một số biện pháp, kinh nghiệm phòng chống dịch cũng như đề xuất giải pháp ngăn chặn dịch lây lan, đồng thời tạo điều kiện tiêu thụ thịt lợn sạch, công tác chuẩn bị dự phòng khan hiếm thịt lợn khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bệnh gây ra. Ðồng thời nêu rõ: Bệnh dịch vẫn diễn ra trên diện rộng, khả năng lây lan cao, khả năng tái phát lớn, nhiều địa phương còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt, các biện pháp phòng, chống dịch chưa được áp dụng hiệu quả, công tác hỗ trợ người chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng, chống dịch. Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chưa thể xử lý khắc phục triệt để trong ngày một ngày hai... Ðây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Dịch tả lợn châu Phi đang là vấn đề nghiêm trọng, khó kiểm soát, đề nghị các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt hơn nữa vào công tác phòng, chống bệnh dịch. Cần xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Ðảng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp hoàn thiện dự thảo trình Ban Bí thư ra văn bản chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y, đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi thường xuyên thành lập các đoàn để kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn việc giết mổ, xuất bán sản phẩm từ lợn trong vùng dịch và bên ngoài, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Bộ Công thương xây dựng cơ chế thu mua, dự trữ thịt lợn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi. Các tỉnh, thành phố tổ chức huy động các lực lượng để giám sát hoạt động, tiêu hủy lợn bệnh đúng kỹ thuật, hạn chế dịch lây lan. Tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. Chỉ đạo, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng, hướng dẫn người dân phát triển các sản phẩm thay thế thịt lợn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống dịch. Ðẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân nâng cao nhận thức, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và không tẩy chay các sản phẩm từ thịt lợn an toàn. Các doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc để dẫn dắt thị trường và hỗ trợ người chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển./.
Văn Đại