Chiều 21-5, đồng chí Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Nam Trực. Cùng đi với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Văn phòng UBND tỉnh và huyện Nam Trực.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại xã Nam Hùng (Nam Trực). |
Tính đến ngày 20-5, huyện Nam Trực đã có 20/20 xã, thị trấn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn phải tiêu hủy 11.409 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 563,1 tấn. Trong đó, lợn nái 283,6 tấn; lợn đực giống 6,5 tấn; lợn thịt 215,3 tấn và lợn choai, lợn con 57,7 tấn. Tổng số hộ có lợn phải tiêu hủy 1.575 hộ. Ðồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và tiêu hủy lợn bệnh tại hộ ông Ðặng Công Thịnh ở xóm Hồng Ðoàn, xã Nam Hồng với số lợn mắc bệnh là 10 con; làm việc với lãnh đạo 2 xã Nam Hồng và Nam Hùng là những địa phương có số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi cao của huyện Nam Trực. Cụ thể, tại xã Nam Hồng đã tiêu hủy 1.204 con, chiếm trên 80% tổng đàn lợn của xã; xã Nam Hùng, sau 36 ngày kể từ ngày phát sinh ổ dịch đầu tiên đến nay đã tiêu hủy 1.659 con, với tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 86,140 tấn, số lợn phải tiêu hủy chiếm gần 70% tổng đàn lợn của xã.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của huyện, các xã, thị trấn đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ðồng thời nhấn mạnh: Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lan rộng, vì vậy ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thường xuyên theo dõi hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm chắc tổng đàn lợn trước khi xảy ra dịch cũng như số lượng từng loại lợn hàng ngày phải tiêu hủy để đảm bảo thống kê chính xác. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khi phát hiện lợn ốm, lợn chết phải báo ngay cho lực lượng thú y cơ sở, chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Phải hướng dẫn cụ thể cách thức tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật của cơ quan chuyên môn để đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm lây lan mầm bệnh. Ðối với việc hỗ trợ cho người chăn nuôi và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi, bao gồm: đối tượng, số lượng, trọng lượng lợn, số kinh phí hỗ trợ. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức công khai trên hệ thống đài phát thanh, lập danh sách các hộ được hỗ trợ dán tại nhà văn hóa thôn, đội để tăng cường giám sát, tránh trường hợp lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi. Về ngân sách để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và tiêu hủy lợn, các địa phương phải chủ động sử dụng quỹ dự phòng và các nguồn khác để bố trí cho nhiệm vụ phòng, chống, dập dịch. Riêng kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh do tỉnh cấp, các địa phương nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ hỗ trợ theo quy định đề nghị UBND tỉnh duyệt kinh phí sớm để hỗ trợ người dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy./.
Tin, ảnh: Văn Đại