Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Ý Yên, Xuân Trường

06:05, 23/05/2019

Ngày 22-5, các đồng chí: Ngô Gia Tự, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Lê Ðoài, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các huyện Ý Yên, Xuân Trường. Cùng đi với các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác xử lý và tiêu hủy lợn mắc bệnh tại xã Yên Chính (Ý Yên).  Ảnh: Thành Trung
Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác xử lý và tiêu hủy lợn mắc bệnh tại xã Yên Chính (Ý Yên). Ảnh: Thành Trung

Ðồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Ý Yên. Ðoàn kiểm tra của UBND tỉnh đã nghe lãnh đạo UBND huyện Ý Yên báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đi kiểm tra thực tế công tác xử lý chôn lấp tiêu hủy lợn chết do mắc bệnh tại xã Yên Chính. Ngày 17-4, huyện Ý Yên phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại các xã: Yên Dương, Yên Phúc. Ðến ngày 21-5, huyện Ý Yên đã có 31/32 xã, thị trấn công bố mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổng số lợn phải tiêu hủy là 10.329 con với tổng trọng lượng là 666,924 tấn; tổng số hộ có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 937 hộ. Ðến thời điểm hiện tại, toàn xã Yên Chính đã có 36 hộ có dịch; tổng số lợn phải tiêu hủy là 354 con với tổng trọng lượng là 25,376 tấn; trong đó lợn nái là 76 con (tổng trọng lượng 10,633 tấn), lợn thịt là 278 con (tổng trọng lượng là 9,734 tấn), còn lại là lợn choai, lợn nhỡ. Ðồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến kiểm tra công tác xử lý tiêu hủy lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Ðỗ Minh Chiến, xóm Vạn Thắng, xã Yên Chính có 34 con lợn thịt phải tiêu hủy với tổng trọng lượng là 1,853 tấn.

Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu huyện Ý Yên và xã Yên Chính cần thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ðối với xã Yên Chính và các xã, thị trấn nói chung, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; tiến hành rà soát, công khai tổng đàn lợn, số hộ tham gia chăn nuôi, số hộ và số lợn bị bệnh phải tiêu hủy cụ thể, chi tiết bằng văn bản theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại UBND xã và các nhà văn hóa thôn, xóm; ngay trong ngày 22 và 23-5 phải tổng hợp và công khai tổng số lợn chết phải tiêu hủy, chủng loại, tổng trọng lượng báo cáo về UBND huyện; khắc phục khó khăn về kinh phí, tổ chức thực hiện tốt công tác xử lý, chôn lấp đảm bảo đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường tránh để lây lan dịch bệnh ra xung quanh. Yêu cầu UBND huyện Ý Yên tổng hợp cụ thể, chính xác bằng văn bản số lượng lợn chết, số hộ và tổng trọng lượng gửi về các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác xử lý, tiêu hủy lợn chết; tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của một số lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận trong khai báo số lượng, trọng lượng lợn phải tiêu hủy, đặc biệt là tình trạng mang lợn ốm ở nơi khác về khai báo để hưởng kinh phí hỗ trợ... Yêu cầu các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các hộ phải tiêu hủy lợn do dịch bệnh trong ngày 24-5; Sở Tài chính bố trí kinh phí để chi trả hỗ trợ cho các hộ dân; sau 15 ngày công khai danh sách đề nghị nếu không phát sinh khiếu kiện thì cấp tiền hỗ trợ cho các hộ nuôi.

Đồng chí Trần Lê Ðoài đã đi kiểm tra tại huyện Xuân Trường. Ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh đầu tiên ở huyện Xuân Trường tại xóm 4 xã Xuân Thành từ ngày 24-3. Ðến ngày 21-5, dịch phát sinh tại 244/312 xóm của 20/20 xã, thị trấn với tổng số lợn buộc tiêu hủy là 15.156 con, chiếm 34% tổng đàn, tổng khối lượng gần 936 tấn. Trong đó, xã Xuân Ninh có 33/33 xóm đều mắc dịch và phải tiêu hủy số lượng lợn mắc dịch nhiều nhất huyện, gồm 2.943 con với tổng khối lượng gần 200 tấn. Xuân Thành là xã phát sinh dịch đầu tiên nhưng đến nay đàn lợn vẫn mắc bệnh, chết rải rác và chưa có dấu hiệu dừng. Từ khi có dịch đến nay, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 2.800 lít hóa chất sát trùng từ tỉnh, chủ động mua 500 lít hóa chất sát trùng, các loại vật tư thiết yếu, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch. Sau khi bệnh dịch phát sinh, huyện đã huy động tối đa lực lượng cán bộ có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, công chức, viên chức và các đoàn thể, chính trị, xã hội bố trí quỹ đất tập trung thực hiện công tác tiêu hủy lợn nhiễm bệnh; hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lợn mắc bệnh và chú trọng thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, không để phát sinh ô nhiễm môi trường từ hoạt động xử lý, chôn lấp lợn mắc dịch bệnh.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Trịnh Văn Đông, xóm 8, xã Xuân Kiên (Xuân Trường).  Ảnh: Thanh Thúy
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Trịnh Văn Đông, xóm 8, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). Ảnh: Thanh Thúy

Qua nghe báo cáo của UBND huyện và kiểm tra thực tế tại các xã Xuân Kiên, Xuân Ninh, đồng chí Trần Lê Ðoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần tích cực, nỗ lực tập trung phòng, chống dịch, thu gom, chôn lấp lợn mắc bệnh và lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi phải tiêu hủy lợn mắc bệnh của huyện và các xã. Tuy nhiên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, dù đã tích cực khử trùng, tiêu độc, phòng chống bệnh dịch nhưng thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng hộ chăn nuôi chưa phun phòng, khử trùng tiêu độc đúng quy trình. Ðể quản lý, kiểm soát, khống chế ổ dịch, thời gian tới, huyện và xã phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp các hộ chăn nuôi phun phòng, khử trùng tiêu độc đúng quy trình kỹ thuật; đặc biệt chính quyền phải chủ động phun thuốc tiêu độc, khử trùng đảm bảo đúng quy trình, đủ lượng thuốc theo mức độ bệnh dịch phát sinh. Ðể tiếp tục đồng hành cùng địa phương và người chăn nuôi trong xử lý dịch bệnh, yêu cầu huyện, các xã, thị trấn tiếp tục tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch; các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính khẩn trương thẩm định, trình để UBND tỉnh sớm cân đối, sắp xếp nguồn ngân sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi; giao hai ngành Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh về mức hỗ trợ lực lượng tham gia xử lý dịch bệnh theo hướng đảm bảo hợp lý với mức chi trả của địa phương và phù hợp với điều kiện bố trí ngân sách của tỉnh. Về lâu dài, yêu cầu các địa phương phải bố trí quỹ đất để phát triển sản xuất gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch, vận động hộ dân bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường như hiện nay./.

Nhóm Phóng viên Thời sự



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com