Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đóng góp ý kiến vào dự án Luật Kiến trúc và Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

06:04, 14/04/2019

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 và sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 12-4, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến đóng góp vào dự án Luật Kiến trúc và Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Sở: Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thành phố Nam Định.

Đồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu vào các dự án Luật.
Đồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu vào các dự án Luật.

Dự án Luật Kiến trúc và dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Luật Kiến trúc bao gồm 5 chương, 41 điều quy định về hoạt động kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam. Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có 16 chương, 209 điều quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Luật cũng quy định các hình phạt: đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Kiến trúc, các đại biểu đại diện cho các sở, ngành, địa phương của tỉnh đều cơ bản nhất trí với dự thảo và đề nghị bổ sung một số nội dung. Cụ thể: tại khoản 2, Điều 14, đề nghị bổ sung nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc vào Quy chế quản lý kiến trúc cho phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 5 của dự thảo Luật. Ở Điều 16, nhất trí về sự cần thiết quy định Hội đồng kiến trúc với tư cách là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc thành lập các tổ chức tư vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiến trúc về tham mưu, tư vấn chính sách là chồng chéo với chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng. Việc không thành lập Hội đồng Kiến trúc sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định Hội đồng kiến trúc trong dự thảo Luật. Đối với Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), căn cứ khoản 2, Điều 2 Luật Giám định tư pháp quy định: “Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng” và căn cứ Điều 452 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù thì việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần giai đoạn thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án. Do đó, đề nghị bổ sung vào nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (Điều 14) các nhiệm vụ sau: Tòa án cùng cấp tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại tạm giam, nhà tạm giữ mà có kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi. Đề nghị bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (Điều 16); nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự (Điều 21); thay từ “thử thách” tại điểm b, khoản 1, Điều 102 bằng cụm từ “chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ” và một số nội dung khác có liên quan...

Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp thu toàn bộ những ý kiến đóng góp của các đại biểu để xem xét, chọn lọc, tổng hợp, báo cáo cơ quan soạn thảo theo quy định./.

Tin, ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com