Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)

06:04, 16/04/2019

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, ngày 16-4, Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến đóng góp vào dự án Luật Ðầu tư công (sửa đổi). Ðồng chí Trương Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Ðầu tư, Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh).

Dự án Luật Ðầu tư công (sửa đổi) dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bao gồm 6 chương, 106 điều quy định việc quản lý Nhà nước về đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Ðóng góp ý kiến vào dự án Luật Ðầu tư công (sửa đổi), các đại biểu đại diện cho các sở, ngành của tỉnh đều cơ bản nhất trí với dự thảo và đề nghị bổ sung một số nội dung. Cụ thể, tại khoản 18, điều 4 quy định: Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt cao hơn tổng mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quy định về nợ đọng xây dựng cơ bản như trong dự thảo là chưa phù hợp vì khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án tính theo thời điểm, trong khi đó tổng mức vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của dự án là số đại diện cho cả giai đoạn trung hạn. Mặt khác, khi triển khai thi công công trình, để đảm bảo yêu cầu về an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật và công năng sử dụng, đối với tất cả các dự án chuyển tiếp không nhà thầu nào có thể tính toán khối lượng cho vừa khớp với kế hoạch vốn được cấp mà thường sẽ thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để đảm bảo chất lượng công trình. Từ thực tế này, đề nghị xem xét lại khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản, nên quy định giới hạn tối đa về tỷ lệ nợ xây dựng cơ bản để vừa khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành bàn giao công trình đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư mà không vi phạm các hành vi bị cấm trong đầu tư công; phù hợp với thực tế quá trình đầu tư. Về phân loại dự án đầu tư công, dự thảo đã quy định rất cụ thể tiêu chí phân loại dự án đầu tư công. Tuy nhiên, đối với các dự án thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mới chỉ quy định dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh có mức độ tuyệt mật là dự án nhóm A; chưa có quy định về phân loại đối với các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh khác nhưng không thuộc loại công trình tuyệt mật. Ðề nghị bổ sung thêm nội dung này để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Khoản 7, 8 Ðiều 17 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HÐND, UBND các cấp cũng đã đề cập đến trường hợp chương trình, dự án đầu tư công sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp quản lý khác nhau. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công trong trường hợp sử dụng nhiều nguồn vốn; có thể bổ sung theo hướng vốn đầu tư công của cấp nào chiếm tỷ trọng lớn nhất thì cấp đó quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án. Ðiểm b, khoản 1, Ðiều 24 quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: “Thành lập Hội đồng thẩm định do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch UBND làm Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công là Thường trực Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan là thành viên để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”. Ðề nghị xem xét, chỉnh sửa lại là "Thành lập Hội đồng thẩm định do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư là Thường trực Hội đồng thẩm định và các cơ quan liên quan là thành viên để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”. Ðề nghị bổ sung thêm một số nội dung bao gồm: Quy định về trình tự, thủ tục cần thực hiện đối với các dự án chậm triển khai để có chế tài hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn tránh tình trạng các dự án triển khai chậm và đọng vốn Nhà nước. Quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân trong hiệu quả của dự án đầu tư công, chú trọng vấn đề không cân đối vốn dẫn đến việc giải ngân vốn chậm trễ, nợ đọng kéo dài, dẫn tới dự án đầu tư không hoàn thành theo kế hoạch ảnh hưởng hiệu quả của dự án. Ðơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay sau khi dự án đủ thủ tục đầu tư.

Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các đại biểu để xem xét, chọn lọc, tổng hợp, báo cáo cơ quan soạn thảo theo quy định./.

Xuân Thu

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com