Chiều 25-4, Ðoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Cao Ðức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh ta về tình hình thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14-9-2005 của Bộ Chính trị, khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Tiếp và làm việc với Ðoàn có các đồng chí: Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Ðoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Ðình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Ðịnh; Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Giáo dục và Ðào tạo; Văn phòng Tỉnh ủy.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua 13 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá: Giai đoạn 2006-2010 bình quân đạt 10,3%/năm; giai đoạn 2011-2018 bình quân đạt 6,7%/năm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2018 so với năm 2005: Tổng GRDP (giá hiện hành) gấp 10 lần; GRDP bình quân đầu người gấp 8,5 lần; thu ngân sách từ kinh tế địa phương gấp 9,3 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 10,6 lần… Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực được cải thiện rõ rệt. Hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia và vùng, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong giai đoạn 2006-2018 đã thu hút được 101/104 dự án với tổng số vốn đăng ký 3.183 triệu USD. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; đã có 3 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp đang hoạt động. Giá trị hàng xuất khẩu tăng mạnh, năm 2018 đạt 1.606 triệu USD, gấp 12,4 lần so với năm 2005. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, thực sự trở thành phong trào của nhân dân, tạo nên khí thế mới trong nông thôn toàn tỉnh. Kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh là điểm sáng, được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Thành phố Nam Ðịnh hoàn thành sớm mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao… tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành tích mới. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được kịp thời thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; giáo dục - đào tạo luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả; Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những khó khăn: Vị trí địa lý không thuận lợi so với các tỉnh trong vùng, tài nguyên thiên nhiên hạn chế, diện tích chật, dân số đông là thách thức cho tỉnh trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chưa có tập đoàn kinh tế lớn, chưa có nhiều ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ tại tỉnh nên chưa có nguồn thu lớn và ổn định, dẫn đến nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội rất hạn chế. Kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bằng sông Hồng thiếu tính đồng bộ. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hệ thống đê sông, đê biển lớn nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế…
Ðể tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận 13-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đề nghị Trung ương có chính sách đồng bộ “tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại” như đã nêu trong Nghị quyết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vùng. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, nhất là hệ thống hạ tầng khung kết nối giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước, hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có. Nghiên cứu xây dựng cơ chế cấp vùng để điều phối thống nhất các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong toàn vùng một cách đồng bộ, hiệu quả. Quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để sớm hoàn thành 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối Nam Ðịnh với các tỉnh trong vùng là đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Ðịnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Ðịnh. Cho phép đầu tư nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Nam Ðịnh - Phủ Lý lên cao tốc theo quy hoạch đã được duyệt vào giai đoạn 2017-2020; nâng cấp tỉnh lộ 489C vào Quốc lộ 39B nối sang tỉnh Thái Bình qua cầu Sa Cao và nâng cấp tỉnh lộ 485 vào Quốc lộ 37C nối với tỉnh Ninh Bình. Xem xét hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương để sớm hoàn thành dự án Bệnh viện 700 giường tỉnh Nam Ðịnh, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, cũng như những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để Trung ương có hướng chỉ đạo sát với tình hình thực tế của địa phương; tiếp thu những ý kiến tham gia của các thành viên trong Ðoàn khảo sát của Trung ương để có hướng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các cơ quan liên quan của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ðồng chí yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc quy hoạch phát triển Thành phố Nam Ðịnh với tầm nhìn xa hơn, từ đó đề xuất với Trung ương cho định hướng phát triển. Quan tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ, trong đó cần tích cực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, chú trọng phát triển hành lang công nghiệp ở các quốc lộ, giáp ranh với các tỉnh lân cận tạo sức lôi kéo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi phát triển kinh tế nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Ðồng thời tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của tỉnh để báo cáo với Bộ Chính trị xem xét chỉ đạo nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW và tạo điều kiện để tỉnh ngày càng phát triển.
Trước đó, Ðoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đi khảo sát tình hình thực tế việc thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị tại huyện Hải Hậu./.
Tin, ảnh: Văn Trọng