Thời gian qua thời tiết diễn biến thuận lợi, công tác chăm sóc được các địa phương thực hiện kịp thời nên các trà lúa xuân sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, rầy lứa 1 cũng có điều kiện để phát triển và gia tăng mật độ. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rầy lứa 1 bắt đầu xuất hiện rải rác, mật độ trung bình 20-30 con/m2, cao 150-200 con/m2; dự kiến rầy lứa 1 sẽ ra rộ từ ngày 18 đến ngày 25-3. Kết quả giám định vi-rút lùn sọc đen tại Viện Bảo vệ thực vật trên các mẫu rầy trưởng thành di trú đến ngày 11-3 có tới 8/10 mẫu dương tính; như vậy tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh bệnh lùn sọc đen trên lúa xuân và lúa mùa năm 2019. Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện rải rác trên các giống lúa nhiễm như: X21, BC15, Khang dân 18, TBR225, nếp... Bệnh có khả năng gia tăng nhanh trong thời gian tới do thời tiết ẩm và âm u.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, Ban Nông nghiệp xã, thị trấn thường xuyên tổ chức kiểm tra đồng ruộng, xác định những diện tích có mật độ rầy cao và những diện tích, những vùng xuất hiện bệnh đạo ôn lá để tổ chức phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với rầy lứa 1 tập trung phun trừ rầy từ ngày 18 đến ngày 25-3 khi mật độ từ 10 con/khóm (300 con/m2) trở lên. Sau 3 ngày phun thuốc nếu rầy còn trên 10 con/khóm cần tiếp tục phun trừ lại. Sử dụng thuốc trừ rầy có hoạt chất Nitenpyram (Dyman 500WP, Palano 600WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP); hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG, Topchest 550WG, Tvpymeda 350WP); hoạt chất Thiamethoxam (Amira 25WP, Onera 300WG, Impalasuper 25WG). Đối với diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá tuyệt đối không bón thêm phân hóa học. Dùng thuốc đặc hiệu để phòng, trừ bệnh cho những diện tích chớm xuất hiện, nhất là các giống nhiễm bệnh như: X21, BC15, KD 18, Q5, QR1, nếp, Thiên ưu 8... Sử dụng thuốc có hoạt chất Tricyclazole (Beam 75WP, Kabim 30WP, Kasai-S 92SC, Filia 525SE, Bamy 75WP); hoạt chất khác (Nativo 750WG, Bumrosai 650WP). Sau khi phun thuốc 5-7 ngày, kiểm tra đồng ruộng nếu còn vết bệnh cấp tính phải phun lại; không nên phối trộn với thuốc trừ bọ xít, bọ trĩ để tránh bộc phát rầy cuối vụ.
Tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng hoặc bán kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Khẩn trương hoàn thành dặm tỉa và chăm sóc các trà lúa gieo cấy muộn, tổ chức phân loại, đánh giá các trà lúa để chuẩn bị cho công tác phòng trừ sâu bệnh./.
Ngọc Ánh