Hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân năm 2019

07:03, 05/03/2019

Thời tiết vụ xuân năm 2019 ấm hơn so với trung bình nhiều năm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng nhanh nhưng cũng tạo nguy cơ cho sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lùn sọc đen hại lúa. Ðể hạn chế tác hại do bệnh lùn sọc đen gây ra trong vụ xuân 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo sản xuất vụ xuân trong điều kiện thời tiết ấm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh này.

Theo đó, để chủ động phòng bệnh cần vệ sinh đồng ruộng bằng cách thực hiện cày bừa kỹ, tiêu diệt lúa chét, cỏ dại… hạn chế nguồn bệnh.

Ở giai đoạn lúa mới gieo cấy cần thực hiện đúng quy trình thâm canh lúa xuân theo Công văn số 96/SNN-TTBVTV ngày 14-2-2019 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thâm canh cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm, không bón phân lai nhai, không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK, phân bón hữu cơ, nhất là ở những chân đất nhiễm chua, phèn, mặn. Áp dụng biện pháp kỹ thuật “hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)”, “3 giảm, 3 tăng”; không phun thuốc kích thích sinh trưởng khi lúa đã bị bệnh. Thực hiện tốt công tác diệt trừ rầy lưng trắng và tiêu hủy nguồn bệnh. Ở giai đoạn này nếu phát hiện rầy lưng trắng di trú mang vi-rút gây bệnh lùn sọc đen cần phải phun thuốc trừ rầy ngay để hạn chế lây lan truyền bệnh. Giai đoạn lúa đẻ nhánh cần tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện rầy lưng trắng non (rầy cám) mang vi-rút thì phun thuốc khi rầy lưng trắng đa số ở tuổi 1-3 để hạn chế số lượng môi giới lan truyền bệnh; tổ chức phun trừ triệt để, đồng loạt rầy lứa 1 từ giữa đến cuối tháng 3 (đây là lứa quan trọng nhất). Giai đoạn lúa đứng cái trở đi tổ chức điều tra, khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lưng trắng ở những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên (đối với lúa trước trỗ) hoặc có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên (đối với lúa sau trỗ) khi rầy đa số tuổi 1-3 (rầy lứa 3 nở rộ cuối tháng 5); kiểm tra ruộng thường xuyên để phát hiện và nhổ tỉa vùi xuống bùn tiêu hủy ngay các khóm, dảnh lúa bị bệnh.

Sử dụng thuốc trừ rầy lưng trắng là các loại có hoạt chất Nitenpyram (Dyman 500WP, Palano 600WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP, Startcheck 755WP...); hoạt chất Pymetrozine (Chess 50WG, Chatot 600WG, Topchest 550WG, Tvpymeda 350WP…); hoạt chất Thiamethoxam (Amira 25WP, Actara 25WG, Onera 300WG, Impalasuper 25WG…)./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com