Ngày 20-3, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng chí Ngô Gia Tự, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các Phòng Công thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định; lãnh đạo các Hiệp hội, ngành hàng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cán bộ quản lý, doanh nghiệp và nhân dân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đã tăng cường công tác xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để phát triển mặt hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các biện pháp hỗ trợ của tỉnh đã giúp doanh nghiệp không ngừng phát triển, thâm nhập và tạo dựng uy tín, thương hiệu tại nhiều thị trường nước ngoài; đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,1%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 2,6 tỷ USD; đến nay tỉnh đã thu hút được 105 dự án nước ngoài đầu tư vào địa bàn với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với yêu cầu, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh còn một số hạn chế: sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn còn hạn chế, sức cạnh tranh nhiều sản phẩm của tỉnh chưa cao; các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về các cơ hội, thách thức và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh xác định rõ, Hiệp định CPTPP là hiệp định thương mại tự do đa phương quy mô lớn, được coi là bước đột phá thương mại tự do giữa các nước thành viên và sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó sẽ tác động mạnh đến các ngành công nghiệp dệt may, da giày và ngành nông nghiệp, chăn nuôi của tỉnh với nhiều cơ hội và thách thức. Tỉnh xác định công tác tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết sâu rộng về nội dung các cam kết, các công việc cần triển khai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phổ biến những nội dung cốt lõi của Hiệp định, những tác động thuận lợi và thách thức khi thực hiện các cam kết, quy định của Hiệp định đối với các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh; các xu hướng thương mại mới; quy tắc xuất xứ và lộ trình cam kết mở cửa thị trường ngành dệt may, hàng nông sản trong Hiệp định CPTPP; định hướng phát triển thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, những vấn đề địa phương, doanh nghiệp cần lưu ý... Qua hội nghị này các cấp chính quyền, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh nắm bắt những nội dung cơ bản của Hiệp định; tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những nội dung có liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp mình; vận dụng triển khai thực hiện linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đầy đủ, hiệu quả Hiệp định CPTPP đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Thanh Thúy