Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh gia súc, gia cầm
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ÐỊNH điện:
- Thủ trưởng các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Công thương, Cục Quản lý thị trường, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Báo Nam Ðịnh, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến ngày 27-2-2019 bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505kg). Dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan rất nhanh.
Ðể hạn chế thấp nhất thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; Công điện số 1237/CÐ-BNN-TY ngày 22-2-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường kiểm soát buôn bán giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong đó cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
1. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo lĩnh vực và theo địa bàn phụ trách; các sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công.
2. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ tác hại của các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật về cách nhận biết tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch và cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh động vật. Biểu dương các địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nhất là việc thông tin báo cáo khi phát hiện động vật ốm, chết bất thường; đồng thời kiểm điểm các địa phương lơ là chủ quan thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch.
3. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; gia cố chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, chắc chắn để phòng mưa bão; con giống nhập vào phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch; rắc vôi bột lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn của vật nuôi.
4. Nâng cao vai trò của người chăn nuôi, thú y cơ sở, chính quyền thôn xóm, cộng đồng dân cư trong việc giám sát, phát hiện, báo cáo kịp thời cho chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y khi phát hiện các trường hợp động vật ốm, chết bất thường. Cơ quan chuyên môn thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định chính xác mầm bệnh trên cơ sở đó tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Trường hợp phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải thực hiện khoanh vùng ổ dịch: tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch theo đúng quy định.
5. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển động vật, chủ cơ sở giết mổ, chủ bến phà, đò ngang ký cam kết không vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhất là các xã tiếp giáp với tỉnh có dịch. Các lực lượng: Thú y, Công an, Quản lý thị trường, Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Chuẩn bị các điều kiện, chỉ đạo và tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân năm 2019 đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
7. Thành lập các đoàn công tác xuống các xã, thị trấn để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, địa điểm tiêu hủy động vật khi dịch bệnh xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên./.
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Phùng Hoan