Chiều 13-3, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng điều tra dân số và nhà ở chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta, có các đồng chí: Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh; các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo tại các đầu cầu 10 huyện, thành phố.
Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta. |
Thực hiện Quyết định 722 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành trên quy mô toàn quốc, nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở cả nước, đáp ứng yêu cầu thông tin về dân số và nhà ở, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030… Đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 3 Bộ liên quan (Quốc phòng, Công an và Ngoại giao) đã thành lập các ban chỉ đạo, triển khai các hội nghị tập huấn về công tác phân chia địa bàn điều tra và vẽ sơ đồ nền xã/phường/thị trấn, công tác quản lý và lập Bảng kê hộ, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác lập Bảng kê hộ đã hoàn thành ngày 20-1-2019. Tổng số có 217.586 địa bàn điều tra (trong đó 196.717 địa bàn điều tra thường và 20.869 địa bàn đặc thù) với 26,2 triệu hộ dân và trên 94 triệu người (không bao gồm những người đang làm việc trong ngành công an, quân đội, người làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài và thân nhân đi cùng) được lập bảng kê. Trong đó, nữ chiếm 50,4%. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về tổng số hộ và số người được lập bảng kê, tương ứng là 2,5 triệu hộ và 8,9 triệu người; Thành phố Hà Nội có 2,2 triệu hộ và 7,9 triệu người. Tổng số hộ đăng ký tự cung cấp thông tin trên internet là 68.990 hộ, chiếm 0,26%. Trong đó, số lượng hộ đăng ký nhiều nhất tại 3 thành phố: Hà Nội (13.228 hộ), Đà Nẵng (7.002 hộ) và Thành phố Hồ Chí Minh (27.501 hộ). Lực lượng tham gia Tổng điều tra gồm khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, khoảng 110 nghìn điều tra viên thống kê và tổ trưởng điều tra (không bao gồm người tham gia lập bảng kê hộ).
Thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2019; thời gian thu thập thông tin tại địa bàn trong 25 ngày, kết thúc chậm nhất vào ngày 25-4-2019. Nội dung điều tra được chia thành 2 nhóm: Đối với điều tra toàn bộ (gồm 22 câu hỏi), điều tra các thông tin về dân số (các thông tin cá nhân: họ và tên, giới tính, tuổi; mối quan hệ với chủ hộ; dân tộc và tôn giáo; tình hình đi học hiện nay; trình độ học vấn và trình độ nghề, kỹ năng nghề; tình trạng biết đọc và biết viết; tình trạng hôn nhân; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em); thông tin về nhà ở của hộ (tình trạng nhà ở hiện tại; quy mô diện tích nhà ở; kết cấu nhà và loại vật liệu xây dựng chính; năm đưa vào sử dụng). Đối với điều tra chọn mẫu (được tiến hành trên 15% dân số cả nước, với 65 câu hỏi), ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin liên quan đến thông tin về dân số (tình trạng di cư nơi cư trú cách đây 5 năm và lý do di cư; tình trạng khuyết tật; tuổi kết hôn lần đầu; tình trạng lao động việc làm); thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi (tình hình sinh con; số con đã sinh, số con còn sống và số con đã chết; tháng, năm sinh và số con trai, con gái của lần sinh gần nhất; hỗ trợ của cán bộ y tế trong lần sinh con gần nhất); thông tin về người chết (thông tin của người chết là thành viên của hộ; nguyên nhân chết, chết do thai sản); thông tin về nhà ở (tình trạng sở hữu nhà ở; loại nhiên liệu (năng lượng) chính để thắp sáng và nấu ăn; nguồn nước chính sử dụng để ăn uống; loại hố xí đang sử dụng; một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của hộ).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của đợt Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 không chỉ có ý nghĩa đối với đánh giá, hoạch định các mục tiêu, kế hoạch phát triển bền vững của đất nước mà còn giám sát kết quả thực hiện các mục tiêu chương trình dân số của Liên hiệp quốc tại Việt Nam. Điểm mới nổi bật của đợt Tổng điều tra này là ứng dụng công nghệ thông minh vào điều tra, thu thập dữ liệu nên chú ý đến chất lượng đường truyền, nền tảng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin, dữ liệu về máy chủ phải đảm bảo; tăng cường phối hợp, kết nối để việc phân tích được chuẩn xác, tin cậy… Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; có hình thức tuyên truyền hiệu quả để đông đảo người dân được biết, tiếp cận và hợp tác cung cấp thông tin chính xác nhất. Các cơ quan báo chí dành nhiều thời lượng tin, bài để đưa tin về đợt Tổng điều tra, lưu ý đến địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng đặc thù (sát nhập, lập mới...) để có phương pháp tuyên truyền và điều tra, thu thập dữ liệu phù hợp. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành 1.100 tỷ đồng để thực hiện cuộc tổng điều tra, do vậy, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phải đảm bảo yêu cầu nhanh gọn, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm, hiệu quả, có chất lượng cao, chậm nhất 26-4, các cơ quan phải có báo cáo tổng thể để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ kết quả sơ bộ./.
Tin, ảnh: Việt Thắng