Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3-8-2018 đến ngày 14-2-2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh, đã có hơn 950 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.
Ngoài ra, vào ngày 17-1-2019, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo không có người ở, đảo hoang), Liên Giang, Đài Loan (Trung Quốc) và đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả giải trình tự gien của vi-rút này tương đồng 100% với vi-rút dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, hiện nay, trên thế giới dịch tả lợn châu Phi lây lan rất nhanh từ các nước như Liên bang Nga sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao.
Hiện nay, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, mỗi ngày có trên 10 nghìn lượt người qua lại ở biên giới hai nước); lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam...
Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y đề nghị các địa phương tổ chức triển khai kịp thời và có hiệu quả. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam... Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn...
Để ứng phó với dịch tả lợn châu Phi, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay Cục đã xây dựng dự thảo kịch bản thông tin và ứng phó với dịch bệnh tả lợn châu Phi. Với các ổ dịch nhỏ lẻ, lấy mẫu kịp thời xét nghiệm để có biện pháp xử lý. Gửi mẫu xét nghiệm đến OIE để khẳng định chính xác do dịch tả lợn châu Phi.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, Cục Thú y thành lập 8 đội phản ứng nhanh đến ngay địa phương nơi gửi mẫu để điều tra, nắm tình hình và hướng dẫn các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh lây lan; phòng chống bán chạy.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấm điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh và lập tức thực hiện công tác tiêu hủy lợn bệnh. Trường hợp nếu có ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn sẽ tiến hành tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh. Các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại. Khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn. Giám sát dịch bệnh...
Khi dịch bệnh được phát hiện trên phạm vi rộng, có kết quả xét nghiệm dương tính với hộ bị dịch trong cùng một đơn vị cấp xã, đàn lợn các hộ chăn nuôi, trang trại còn lại trong cùng xã, nhóm xã, nhóm huyện và toàn tỉnh tiến hành tiêu hủy ngay không cần xét nghiệm…
Đối với vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch, ngành chức năng sẽ thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
Đối với vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đối với vùng đệm trong phạm vi 10km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch.
Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật. Lập chốt kiểm dịch, dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn. Quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch. Giám sát dịch bệnh. Phối hợp với quốc tế để chống dịch bệnh…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nguy cơ các mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn châu Phi... có nguy cơ lây nhiễm do nhập lậu ở các tuyến biên giới là rất cao. Diễn biến của các loại dịch bệnh đang phức tạp nhưng nhiều nơi chính quyền địa phương chưa vào cuộc, việc kiểm tra dịch lở mồm long móng, tuyên truyền đền bù cho bà con rất kém, mặc dù chính sách đã có từ lâu nhưng bà con hoàn toàn không biết về chính sách đền bù; do vậy, phải rà soát lại cách làm./.
Theo baotintuc.vn