Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Kế hoạch số 98/KH-SNN về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2019.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của lĩnh vực chăn nuôi năm 2019 là: giá trị sản xuất tăng từ 3-3,5% so với năm 2018, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 35% cơ cấu ngành nông nghiệp; số lượng đàn lợn đạt 760 nghìn con, đàn gia cầm đạt 7,8 triệu con, đàn trâu, bò đạt 37,2 nghìn con; sản lượng thịt gia súc, gia cầm đạt 185 nghìn tấn; tỷ trọng chăn nuôi trang trại công nghiệp và gia trại đạt trên 30% tổng giá trị sản lượng chăn nuôi; tỷ lệ chất thải chăn nuôi được xử lý đạt trên 80%; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt trên 80% tổng đàn; hỗ trợ xây dựng 28 cơ sở chăn nuôi lợn được công nhận an toàn dịch bệnh (đối với các bệnh dịch tả lợn, lở mồm long móng)… Các chỉ tiêu chủ yếu của thủy sản: giá trị sản xuất tăng từ 5,5-6% so với năm 2018, tỷ trọng thủy sản chiếm từ 21% trở lên trong cơ cấu ngành Nông nghiệp; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 16.215ha, trong đó nuôi mặn lợ đạt 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha; tổng sản lượng thủy sản đạt 154 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng đạt 101 nghìn tấn, khai thác đạt 53 nghìn tấn. Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu là: Tăng cường chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2019. Rà soát, bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch về phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại các vùng xa dân cư theo quy hoạch và gắn với nhu cầu của thị trường, tuân thủ đúng các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Lựa chọn giống gia súc, gia cầm chất lượng cao (giống lợn thịt sử dụng con lai 3-4 máu ngoại, lợn sữa sử dụng nái giống Móng Cái; giống gà chuyên thịt là các giống CP, Japfa, Ross 308; giống gà chuyên trứng là ISA Brown, Ai Cập); tiếp tục phát triển sản xuất giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực như ngao, tôm, cá bống bớp và các loại cá truyền thống có giá trị kinh tế cao như: cá trắm đen, cá lóc bông, cá lăng… Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật bằng các biện pháp: quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh; tích cực vệ sinh ao đầm, chuồng trại để khử trùng và cải tạo môi trường; tổ chức tốt công tác tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm (đối với đàn trâu, bò, dê tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng; đàn lợn bắt buộc phải tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng, khuyến khích tiêm phòng bệnh tai xanh và phó thương hàn; đàn chó tiêm phòng bệnh dại; đàn gia cầm tiêm phòng bắt buộc các bệnh cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, dịch tả vịt và khuyến khích tiêm phòng thêm các bệnh tụ huyết trùng, Gumboro, viêm gan vịt…). Thời gian tiêm phòng vụ Xuân từ ngày 15-3 đến ngày 15-4-2019 (chỉ tiêu cụ thể: đàn lợn 470 nghìn con; đàn trâu, bò, dê 29 nghìn con; đàn chó 125 nghìn con); vụ Thu từ ngày 10-9 đến ngày 10-10-2019 (chỉ tiêu cụ thể: đàn lợn 480 nghìn con; đàn trâu, bò, dê 29 nghìn con; đàn chó 95 nghìn con); ngoài 2 đợt tiêm chính trên, các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh.
Các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào các nội dung của Kế hoạch phối hợp, tập trung chỉ đạo xây dựng phương án phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng chống dịch bệnh động vật năm 2019 phù hợp với thực tiễn của địa phương./.
Thành Trung