Ngày 27-2, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra hiện trạng các điểm kè bị vỡ tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hiện trạng vỡ kè khu du lịch sinh thái Thị trấn Rạng Đông. |
Kết quả kiểm tra thực tế tuyến kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông (công trình do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý) có 2 đoạn kè bị vỡ phần thân kè, các vật liệu như đất, đá lót, vải lọc bị cuốn trôi tạo thành lỗ sâu; phần chân kè không bị gãy, bãi cát và cống bi xếp trước chân kè còn nguyên vẹn. Đoạn vỡ thứ nhất nằm ở gần đầu tuyến kè sinh thái, phía cửa sông Ninh Cơ; diện tích vỡ khoảng 60m², sâu hơn 1m; phần tường chắn sóng tại đỉnh kè vẫn còn. Đoạn vỡ thứ 2 nằm cách vị trí vỡ số 1 khoảng hơn 100m tính từ đầu tuyến kè về phía khu trung tâm sinh thái; diện tích vỡ khoảng 600m², sâu hơn 1,5m, tường chắn sóng tại đỉnh kè bị sập, gẫy, vỉa hè từ tường chắn sóng tới đường giao thông bị sạt sụt gần hết; gạch lát vỉa hè cách kè vỡ 350m cũng bị sóng đánh bong tróc, trên mặt đường có nhiều cát. Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, ngay từ đầu tháng 12-2018, 2 đoạn kè này đã bị phá vỡ cấu trúc kè, các vật liệu bị cuốn trôi, xuất hiện lỗ hỏng nhỏ trên thân kè. Theo ý kiến của đại diện địa phương, vị trí đoạn kè vỡ thuộc khu vực xung yếu trên toàn tuyến kè sinh thái thuộc bãi biển Nghĩa Hưng, chịu tác động mạnh của sóng, gió, thủy triều hơn các vị trí khác trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng theo huyện Nghĩa Hưng tại khu vực này UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch khai thác cát diện tích 3.558ha, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép và Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội đã tiến hành khai thác cát từ tháng 8-2018. Vì vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, xác định rõ mức độ tác động của hoạt động khai thác cát đối với việc bảo bảm an toàn đê kè. Về phía Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội, đơn vị khai thác cát trên địa bàn khẳng định Công ty đã tiến hành khai thác cát đúng vị trí, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, công suất máy khai thác và độ sâu, chiều dài khai thác dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng liên quan.
Sau khi nghe ý kiến phân tích của các ngành chức năng, các đơn vị liên quan, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: nhiệm vụ cấp bách trước tiên là phải bảo đảm an toàn tuyến kè, yêu cầu huyện Nghĩa Hưng phải khẩn trương xử lý ngay tình trạng sạt sập trên, đồng thời huyện phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hệ thống đê kè trên toàn huyện. Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, kiểm tra lại hồ sơ, quá trình cấp phép khai thác cát nếu phát hiện vị trí cấp phép không hợp lý phải khẩn trương điều chỉnh; trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thát cát trong 1 tháng phục vụ việc xác định rõ nguyên nhân gây vỡ kè. Đài Khí tượng thủy văn Nam Định có báo cáo chi tiết biến động và tác động của gió mùa, thủy triều đến hệ thống đê, kè. Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội báo cáo đầy đủ hồ sơ từ khi khai thác mỏ đến thời điểm có biến cố vỡ kè; đồng thời nghiên cứu, có phương án hỗ trợ kinh phí theo quy định của Luật Khai thác khoáng sản để huyện xử lý các đoạn kè vỡ. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương quan trắc vùng bãi, có đối chiếu với kết quả quan trắc lần đầu (15-8-2018) để xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng vỡ kè; trong trường hợp huyện yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật xử lý tình trạng vỡ kè, Sở phải cử cán bộ chuyên trách, trình độ cao hướng dẫn cho huyện. Khi cần thiết, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ trên cơ sở các tài liệu đã lập, mời các đơn vị chuyên ngành của Trung ương tổ chức hội thảo nghiên cứu xác định chính xác nguyên nhân gây vỡ kè./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy