Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là những địa phương lân cận có nhiều hoạt động giao thương thường xuyên với tỉnh ta. Mặt khác, đây lại đang là thời gian cao điểm của các lễ hội xuân với số lượng người qua lại các địa bàn đông.
Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh, lây lan của dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh; khi phát hiện lợn mắc bệnh báo ngay cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu xét nghiệm, xác định chính xác mầm bệnh, trên cơ sở đó tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; các địa phương, nhất là những huyện giáp ranh với tỉnh Thái Bình có bến khách ngang sông yêu cầu thường xuyên kiểm tra, ký cam kết với các chủ phà, chủ đò không vận chuyển lợn ốm; lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch vào địa bàn tỉnh; khi phát hiện đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải công bố dịch; thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh; tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng; lập chốt kiểm dịch, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán lợn, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi vùng dịch theo đúng quy định; hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người lạ ra, vào khu vực chăn nuôi; không cho gia súc ăn thức ăn lạ, thức ăn thừa ở các bếp ăn tập thể để hạn chế mầm bệnh phát sinh./.
Ngọc Ánh