Ngày 3-1-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2018, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Năm 2018, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chung sức vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân trên cả nước, do đó toàn ngành đã nỗ lực, bám sát thực tiễn, triển khai quyết liệt công tác tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Toàn ngành đã hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu với mức cao trong kế hoạch nhiệm vụ đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt cao như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,02 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 42,4%. Đó là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, đầu tư phát triển khoa học công nghệ cao, tạo môi trường thuận lợi, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất gắn với thị trường. Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, sát thực tiễn trong thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm… Bên cạnh những thuận lợi, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hoạt động tái cơ cấu mặc dù đã đạt kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều ở các địa phương; việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa chặt chẽ; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của người dân. Công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ tiếp tục được nâng cao năng lực, một số tập đoàn lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến nhưng vẫn chậm so với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa; tổn thất sau thu hoạch cao, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp. Mặc dù thời gian qua ngành thủy sản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EU đối với đánh bắt hải sản. Khoảng cách chênh lệnh về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền vẫn còn khá lớn. Trong khi tỉnh Đồng Nai và Thành phố Đà Nẵng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc… đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới chuyển sang giai đoạn nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì một số địa phương khác số xã đạt chuẩn còn rất thấp. Các vấn đề về môi trường nông thôn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng, phức tạp, khó xử lý ở một số địa bàn...
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Nam Định. Ảnh: Xuân Thu |
Năm 2019, là năm có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020); tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, kế hoạch phát triển ngành, tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành Nông nghiệp xác định “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3%; giá trị sản xuất đạt trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42 đến 43 tỷ USD; có 48 đến 50% số xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những thành tích nổi bật của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2018. Trên đà thắng lợi, bước sang năm 2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục duy trì các giải pháp tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực được giao phụ trách; trong đó chú trọng nhiều hơn đến công tác phòng chống thiên tai; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thuốc bảo vệ thực vật; tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn nhằm nâng cao mức sống của người dân. Nước ta có tỷ lệ nông dân đông, do đó cần chú ý ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu giống cây, giống con để tăng giá trị, sản lượng sản phẩm. Chính phủ sẽ tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi để ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế./.
Xuân Thu