Ngày 4-1, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh và các đồng chí thành viên Ban ATGT tỉnh.
Đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh và các đồng chí thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tại điểm cầu Nam Định. |
Năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, Ủy ban ATGT quốc gia đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Năm ATGT với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” theo phương châm “Tính mạng con người là trên hết”. Trong năm, công tác chỉ đạo được tăng cường với việc ban hành kịp thời các văn bản từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, phát động phong trào thi đua, triển khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, khắc phục tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông. Công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra, giải quyết TNGT được thực hiện có hiệu quả. Trong năm, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã xử lý trên 4 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; phạt tiền gần 3.000 tỷ đồng. Thanh tra chuyên ngành Giao thông Vận tải thực hiện gần 76 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt trên 62 nghìn vụ vi phạm; phạt tiền gần 220 tỷ đồng. Cơ quan Điều tra các cấp đã khởi tố gần 4.500 vụ với trên 4.000 bị can vi phạm trật tự ATGT. Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng 11 dự án lớn; xử lý 322 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; sơn kẻ 334km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 802 biển báo; sửa chữa 161km hộ lan; điều chỉnh 19 điểm mở dải phân cách giữa. Các lĩnh vực về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa, đường sắt, đường không đều được thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Về tình hình TNGT, tính từ ngày 16-11-2017 đến ngày 15-11-2018, toàn quốc xảy ra 18.736 vụ, làm chết 8.248 người, bị thương 14.082 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 6,71%; số người chết giảm 0,4%; số người bị thương giảm 13,13%. Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT là 1.442 người, chiếm 6,6% tổng số vụ, giảm 11,85% so với năm 2017. Có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm và 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, năm 2018 công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp; mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu; TNGT đường sắt giảm về số vụ, số người chết nhưng số người bị thương lại tăng cao; còn xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến bảo đảm trật tự ATGT còn nhiều bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành, giảm hiệu lực thi hành pháp luật.
Năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai bằng nhiều giải pháp quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Chủ đề Năm ATGT là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”. Mục tiêu đặt ra trong năm là không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe gắn máy, doanh nghiệp, lái xe khách. Giảm TNGT từ 5 đến 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vận tải khách và mô tô, xe gắn máy. Tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2018. Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm trật tự ATGT, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu ATGT, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, các dự án đầu tư tạo ra nhu cầu giao thông, vận tải lớn. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kiểm soát chặt chẽ điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Trước mắt, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, các cấp, các ngành chức năng cần tích cực phối hợp, tăng cường tuần tra, kiểm soát, giữ vững trật tự ATGT, bảo đảm thuận tiện cho người tham gia giao thông, góp phần không nhỏ mang hạnh phúc, bình yên đến với mọi gia đình./.
Tin, ảnh: Xuân Thu