10 sự kiện tiêu biểu trong nước năm 2018

09:01, 02/01/2019

Năm 2018, ghi nhận những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó có những kết quả tốt nhất trong 10 năm qua. Báo Nam Định xin lựa chọn 10 sự kiện tiêu biểu nhất trong năm qua.

1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước.

Ngày 23-10-2018, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, với 476/477 đại biểu tán thành (tỷ lệ 99,79%).

2. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua

Sản xuất bằng robot tại Nhà máy Sản xuất Ô tô Thaco Mazda.
Sản xuất bằng robot tại Nhà máy Sản xuất Ô tô Thaco Mazda.

Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt hơn 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2008; xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 7,2 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 131.300 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017); cả nước đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 19,9% so với năm 2017)... Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với năm 2017. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.

3. Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định CPTPP

Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago (Argentina) ngày 8-3-2018.
Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP ở Santiago (Argentina) ngày 8-3-2018.

Ngày 12-11-2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV. CPTPP được coi là hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ có hiệu lực thực thi đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Hiệp định sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.

4. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ

Đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Đại biểu Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Năm 2018, từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội đến HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Tại Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Bí thư. Tại Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, thành phố bầu hoặc phê chuẩn.

5. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở

Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm.
Kỳ họp thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên vi phạm.

Năm 2018, nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, quản lý đất đai, công sản cùng nhiều vụ tiêu cực ở một số ngành, địa phương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Điều này khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin trong nhân dân.

6. Ban hành Nghị quyết đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Việt Nam).
Tàu cá đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa (Việt Nam).

Nghị quyết 36-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 22-10-2018, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển có sự phát triển đột phá, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp 65-70% GDP.

7. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ra đời

Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có một cơ quan chuyên trách trong việc thực hiện chức năng nhằm quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ, ngành được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Việc ra đời của ủy ban này là dấu mốc quan trọng để phân biệt rõ và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

8. Năm thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam

HLV Park Hang-seo và các thành viên Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam nâng cao cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2018.
HLV Park Hang-seo và các thành viên Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam nâng cao cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2018.

Với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực: Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup); Á quân Giải vô địch bóng đá U.23 châu Á; lần đầu tiên vào đến vòng bán kết môn bóng đá nam tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), bóng đá Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt đối với người hâm mộ cả nước trong năm qua, khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc. 

9. Thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành, địa phương, đơn vị

Mưa lũ, sạt lở đất xảy ra cuối tháng 6-2018 gây thiệt hại cho nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc.
Mưa lũ, sạt lở đất xảy ra cuối tháng 6-2018 gây thiệt hại cho nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc.

Thiên tai làm thiệt hại về kinh tế khoảng 20 nghìn tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Mưa lớn không chỉ làm ngập lụt ruộng đồng mà còn khiến nhiều tuyến phố tại các đô thị lớn nhất cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… ngập sâu, chìm trong biển nước. Hồi đầu tháng 9-2018, mưa lũ đã khiến nhiều tỉnh ở Tây Bắc bị cô lập, sạt lở đường, giao thông ách tắc nghiêm trọng. Qua các vụ việc này cho thấy, ngoài nguyên nhân do thiên tai thì “nhân tai” cũng chiếm một phần quan trọng. Đối với các thành phố, qua đây cho thấy những bất cập rất lớn trong công tác quy hoạch đô thị, nhất là khả năng tiêu thoát nước.

10. Quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính

Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh hoạt động hiệu quả.
Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh hoạt động hiệu quả.

Năm 2018 đánh dấu những bước chuyển quan trọng trong đổi mới, sắp xếp lại bộ máy chính trị, tạo chuyển biến bước đầu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW được triển khai sâu rộng, tạo những bước đột phá quan trọng./. 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com