"Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” là chủ đề Bộ Y tế lựa chọn tại Lễ phát động ra quân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm nay.
Bà Phan Thị Lê Mai, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên và vị thành niên nhưng kết quả điều tra trên 9.768 thanh - thiếu niên trong độ tuổi 10-24 tại 8 tỉnh và thành phố cho thấy, thanh - thiếu niên vẫn thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong đó có 7,8% thanh - thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đã quan hệ tình dục trước 15 tuổi và chỉ có 54% thanh - thiếu niên có sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai không liên tục là 40,5%, trong đó 10,4% là do thất bại của biện pháp tránh thai. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại của nữ độ tuổi 15-24 tuổi là 29,6%.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra, rất ít vị thành niên tham vấn với cha mẹ và thầy cô giáo trong tìm hiểu thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Theo số liệu của Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm nhẹ trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, có rất nhiều nhóm thanh niên khác nhau còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, như nhóm thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV… Bộ Y tế cần có các chính sách và can thiệp hỗ trợ các nhóm thanh niên thiệt thòi này được dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục một cách toàn diện.
Chính vì vậy, bà Phan Thị Lê Mai đề nghị, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện giáo dục giới tính và tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên trong và ngoài trường học. Sự tham gia của thanh niên trong việc thiết kế đến triển khai và giám sát các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục sẽ làm các chương trình thực sự có hiệu quả. Do đó cần đầu tư cho sáng kiến về sức khỏe sinh sản do thanh niên làm chủ để phát huy tiềm năng của các em.
Trong chiến lược và phân bổ nguồn lực quốc gia, Bộ Y tế cũng cần phối hợp với các cơ quan liên quan vận động nguồn lực đảm bảo nhu cầu về biện pháp tránh thai cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên chưa có gia đình cần được đáp ứng đầy đủ qua các kênh cung cấp thuận tiện và thân thiện khác nhau.
Cuối cùng, sự tham gia của vị thành niên và thanh niên trong việc tư vấn, khám sức khỏe, cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản là rất quan trọng. Bộ Y tế cần tạo cơ chế và môi trường thân thiện để vị thành niên và thanh niên có thể tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất nâng cao chất lượng các hoạt động, mô hình truyền thông giáo dục và dịch vụ sức khỏe sinh sản.
Hiện tại, Việt Nam đã khép lại thời kỳ cơ cấu dân số trẻ và bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Hiện tại, với quy mô dân số gần 95 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số). Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.
Vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10-24 tuổi) chiếm trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.
Để hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam năm nay, Bộ Y tế đề nghị các cấp địa phương cần tích cực đẩy mạnh truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà… để giáo dục, động viên con em trong việc chủ động tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ./.
Theo nhandan.com.vn