Chủ động các biện pháp phòng trừ dịch hại cây vụ đông

07:12, 03/12/2018

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đến ngày 27-11, các địa phương đã gieo trồng được 10.181ha cây vụ đông, đạt 78% kế hoạch. Đầu vụ, thời tiết thuận lợi để các loại cây vụ đông như: ngô, khoai tây, cà chua, bí xanh, rau họ thập tự, đậu đỗ các loại... sinh trưởng và phát triển nhưng các loại dịch hại cũng đã phát sinh. Cụ thể: bệnh mốc sương phát sinh và phát triển mạnh trên cây cà chua, khoai tây (tỷ lệ phổ biến 1-3%; nơi cao từ 7-10%; cục bộ có nơi từ 15-20%). Bệnh sẽ tiếp tục lây lan nhanh trong thời gian tới, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng tới năng suất. Bệnh giả sương mai đã xuất hiện trên dưa chuột, bí xanh (tỷ lệ trung bình 3-5%, nơi cao 10-15%) và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Bệnh phấn trắng gây hại cục bộ trên dưa chuột, bí xanh (tỷ lệ nơi cao 5-7%). Bệnh héo xanh phát sinh cục bộ trên cà chua, khoai tây (tỷ lệ nơi cao 5-7%). Trên rau họ thập tự phát sinh một số dịch hại như: bệnh cháy lá vi khuẩn gây hại cục bộ (nơi cao 15-20%); các loại: sâu tơ, sâu bướm trắng mật độ phổ biến 3-5 con/m2, cục bộ có nơi 15-20 con/m2, mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ; bọ nháy với mật độ phổ biến 10-15 con/m2, nơi cao là 30-40 con/m2.

Biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây vụ đông trong thời gian tới: các bệnh mốc sương, giả sương mai phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện bằng các loại thuốc: Azoxytrobin, hoạt chất Propineb (Melody duo 66.75WP, Antracol 70WP...), hoạt chất khác (Arygreen 75WP,...); bệnh phấn trắng phun khi bệnh chớm xuất hiện bằng thuốc Mataxyl 25WP, Actionvate 1SP... Đối với bệnh héo xanh vi khuẩn, người dân phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi bột vào gốc cây bị bệnh để tránh lây lan. Bệnh cháy lá vi khuẩn hiện chưa có thuốc đặc trị, không nên phun thuốc, tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường; đối với sâu xanh, bướm trắng, sâu tơ phun trừ khi sâu tuổi nhỏ với mật độ dưới hoặc bằng 10 con/m2 sử dụng loại thuốc ít độc, thuốc thảo mộc, thuốc sinh học như chế phẩm Vi-BT 16.000WP, thuốc chứa hoạt chất Emamectin benzoate (Proclaim 1.9EC, Angun 5WG, Dylan 2EC, Eagle 50WC,...), hoạt chất Abamectin (Tập kỳ 1.8EC, Aremec 36EC,...), hoạt chất khác (Pegasus 500SC,...). Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cũng lưu ý các địa phương hướng dẫn nông dân chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết… đảm bảo thời gian cách ly với từng loại thuốc. Cần sử dụng luân phiên các loại thuốc bảo vệ thực vật để tránh hình thành tính kháng thuốc của sâu hại./.

Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com