Ngày 26-11, tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương đã khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á HORASIS 2018.
Dự khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ngài Frank-Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Horasis và đại diện của các cơ quan Thương vụ, các Hiệp hội các doanh nghiệp của nhiều nước và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với các đại biểu một số điểm nổi bật về sự phát triển của kinh tế Việt Nam gần đây. Theo Phó Thủ tướng, sau hơn 30 năm kể từ khi tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng và được cộng đồng quốc tế đánh giá như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công. Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường. Cùng với đó là thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh; khuyến khích mạnh mẽ sự sáng tạo và năng động của người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. |
Nhờ đó, môi trường chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô của Việt Nam luôn ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện không ngừng. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới đứng vị trí 77/140 quốc gia. Xếp hạng môi trường kinh doanh (DB) theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đứng thứ 45/127 quốc gia.
Với lực lượng lao động trẻ dồi dào được đào tạo cơ bản, cần cù, có kỹ năng và năng lực tiếp thu, nắm bắt các tiến bộ công nghệ, Việt Nam là một trong những công xưởng của thế giới và là điểm tựa cho các tập đoàn đa quốc gia cung ứng hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu. Hiện đã có gần 26 nghìn doanh nghiệp FDI đến từ gần 130 quốc gia và đối tác đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn cam kết đầu tư trên 330 tỷ USD.
Với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam hiện là đối tác thương mại tin cậy, năng động, đồng thời, có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thành viên của WTO, đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 6 FTA giữa ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tháng 11 này, Việt Nam cũng đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang cùng EU nỗ lực hoàn tất rà soát pháp lý để tiến tới sớm ký và phê chuẩn FTA Việt Nam - EU. Các hiệp định FTA này đang mở rộng cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh một số trọng tâm mà Chính phủ kiến tạo của Việt Nam đang triển khai. Theo đó kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ. Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, phù hợp với tín hiệu của thị trường. Cùng đó là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. Từ đó, phấn đấu sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN và hướng đến tiêu chuẩn của các nước OECD về năng lực cạnh tranh.
Chính phủ đã chỉ đạo từng bộ, ngành, địa phương có chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể bảo đảm môi trường kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, thông thoáng. Bên cạnh đó, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình theo tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, bảo hộ quyền tài sản, thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Theo chinhphu.vn