Hội nghị trực tuyến triển khai và nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

04:11, 14/11/2018

Ngày 14-11-2018, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ). Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Y tế, KH và ĐT, Tài chính, Nội vụ, LĐ-TB và XH, NN và PTNT, BHXH tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

Đồng chí Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Nam Định
Đồng chí Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Nam Định

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo kết quả triển khai công tác y tế cơ sở (YTCS) giai đoạn 2016-2018, phương hướng giai đoạn 2019-2020 và mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Để triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã chọn 26 trạm y tế tại một số tỉnh, thành phố thực hiện mô hình điểm và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Những năm qua, mạng lưới YTCS phát triển rộng khắp với hệ thống công lập có 289.692 giường bệnh (94,7%), trong đó tuyến Trung ương có 47 bệnh viện, 419 bệnh viện tỉnh, 40 phòng khám chuyên khoa, 684 bệnh viện huyện, 295 phòng khám đa khoa khu vực, 11.793 trạm y tế (kể cả trạm y tế ngành); hệ thống y tế ngoài công lập có 16.172 giường bệnh (5,3%) gồm 210 bệnh viện, trên 35 nghìn phòng khám, 42.169 nhà thuốc. Mạng lưới YTCS phát triển đã góp phần quan trọng vào công tác y tế dự phòng, nâng cao sức khoẻ; quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm; lập hồ sơ quản lý sức khoẻ; phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị; khám chữa bệnh. Trong đó, lĩnh vực y học dự phòng, nâng cao sức khoẻ được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế trong giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, tăng tiếp cận nước sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản, giảm tỷ lệ mắc, tử vong các dịch bệnh truyền nhiễm, giảm tỷ lệ mắc HIV xuống dưới 0,3% dân số; đạt mục tiêu kiểm soát sốt rét, lao, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh phong. Công tác quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại YTCS bước đầu có kết quả tích cực, đã quản lý 13,6% người bệnh tăng huyết áp, 28,9% người bệnh đái tháo đường. Lập hồ sơ quản lý sức khoẻ thí điểm tại một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… Phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 7 tỉnh, thành phố. Đã có 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố. Công tác khám chữa bệnh đã có bước tiến bộ vượt bậc với số lượng, chất lượng dịch vụ tăng; đã thực hiện đề án 1816, vệ tinh, đào tạo chuyển giao kỹ thuật; gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại YTCS (huyện 47%, xã 33%); khoảng 70% số lượt khám chữa bệnh BHYT tại YTCS (huyện 50%, xã 20%).

Tuy nhiên, hoạt động của YTCS vẫn còn hạn chế: Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã nên vượt tuyến không cần thiết; chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhiều người chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khoẻ, khám, phát hiện sớm bệnh. Phần lớn các trạm y tế chưa quản lý bệnh mạn tính; số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chưa đạt yêu cầu; nhân lực thiếu và yếu; cơ chế tài chính nhiều bất cập, chưa phù hợp; đầu tư thấp, chưa tương xứng nhiệm vụ; chế độ chính sách đãi ngộ chưa thoả đáng; sự quan tâm chỉ đạo của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền đối với YTCS còn chưa đầy đủ…

Để khắc phục tồn tại trên, Bộ Y tế triển khai tại 26 xã mô hình điểm trạm y tế hoạt động theo nguyên lý YHGĐ với các nhiệm vụ chuyên môn: Truyền thông giáo dục, nâng cao sức khoẻ; lập và quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân; theo dõi, quản lý, cấp thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, chăm sóc giảm nhẹ ung thư; chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, dân số - KHHGĐ; phòng bệnh, dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, nước sạch, tiêm chủng mở rộng; phát hiện sớm bệnh tật, chăm sóc, khám chữa bệnh ban đầu; dược và y, dược học cổ truyền. Theo đó, tiến hành đào tạo để nhân lực các trạm y tế xã có kiến thức, triển khai được các hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; cơ sở hạ tầng khang trang, sạch sẽ, tạo niềm tin; đầu tư trang thiết bị đủ để thực hiện chức năng nhiệm vụ; thuốc bảo đảm tối thiểu theo gói dịch vụ y tế cơ bản, năng lực trạm y tế xã; tài chính bảo đảm chi lương và các hoạt động; CNTT có thể quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân, kết nối thanh toán BHYT, quản lý trạm y tế và báo cáo thống kê. Nhiệm vụ triển khai tại 26 xã điểm là thành lập Ban Chỉ đạo (CV 5007 ngày 28-8-2018 của Bộ Y tế); đào tạo, luân phiên để bảo đảm nhân lực (Bộ Y tế cử bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về giúp trạm y tế, huyện điểm để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; thực hiện Dự án HPET( về đào tạo bác sĩ, viên chức y tế theo nguyên lý YHGĐ…); triển khai ngay các hoạt động chuyên môn như: truyền thông - GDSK, nâng cao sức khoẻ, lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân; sửa chữa, nâng cấp trạm y tế theo tư vấn của Dự án HPET; trang thiết bị; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thuốc… Cùng với thực hiện mô hình điểm, triển khai nhân rộng tại các trạm y tế trên cả nước, các tỉnh, thành phố đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về YTCS vào chiến lược, chính sách và kế hoạch KTXH; phân công trách nhiệm; kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ; xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo để triển khai. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, mạng lưới YTCS. Triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Tiếp tục rà soát, phân loại các trạm y tế xã để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hiệu quả. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tài chính cho YTCS. Bảo đảm đủ thuốc BHYT cho trạm y tế theo Thông tư 39 của Bộ Y tế. Nâng cao hiệu lực quản lý trạm y tế xã… Lộ trình năm 2018 hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm, từ 2019-2023; phấn đấu đến năm 2020 có 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải bệnh viện. Các trạm y tế chưa làm điểm, các tỉnh không có trạm y tế điểm, các tỉnh, thành phố phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại, không chờ kết quả các trạm y tế xã làm điểm; đề nghị UBND tỉnh đầu tư cơ sở, trang thiết bị cho các trạm y tế từ ngân sách địa phương, nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, nguồn giảm cấp tiền lương của các bệnh viện, vốn ODA…; mỗi tỉnh chọn 1-2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Để tổ chức thực hiện, các tỉnh, thành phố cần xây dựng đề án, lộ trình triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chậm nhất quý I-2019 phê duyệt đề án. Tùy theo năng lực của địa phương mà có thể triển khai dần dần theo lộ trình, cuốn chiếu để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình. Nguồn tài chính để thực hiện dự án là ngân sách địa phương, vốn ODA, nguồn xã hội hóa, BHYT, thu dịch vụ của trạm y tế... Bộ Y tế sẽ hướng dẫn xây dựng 218 trạm y tế được Thủ tướng Chính phủ giao đầu tư theo mô hình điểm, khi hoàn thành phải hoạt động theo nguyên lý YHGĐ; triển khai dự án vay vốn ADB, WB theo mô hình trạm y tế xã điểm; thực hiện công tác đào tạo YHGĐ; xây dựng và triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân, phần mềm quản lý trạm y tế xã…

Tin, ảnh:  Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com