Trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ: Trong giai đoạn 2019-2020, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quyết liệt và thực chất các chính sách và nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phải coi đây là một trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày 9 nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2019-2020 bao gồm:
Một là, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Nghiên cứu ban hành các chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp.
Hai là, xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột: Phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân trong nước; Cải cách thể chế về quyền tài sản, trước mắt tập trung các khâu: giải quyết phá sản, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, xử lý tài sản thế chấp ngân hàng.
Ba là, rà soát, hoàn thiện luật pháp về quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.
Bốn là, xây dựng chính sách phát triển và xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Năm là, cải thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên tối đa đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế các vùng động lực tăng trưởng.
Sáu là, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN.
Bảy là, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP (tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14-16% vào năm 2020).
Tám là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách.
Chín là, đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tiền đề của các nhóm giải pháp nêu trên là Chính phủ cần có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế. Các giải pháp bao gồm: tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do Nhà nước quản lý./.
PV