Ngày 21-9-2018, tại Hà Nội, BCĐ Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000-2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bạch Ngọc Chiến, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo, đại diện các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố Nam Định.
Trong gần 20 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm vận động người dân phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng NTM. Phong trào đã tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành Trung ương, các cấp uỷ, chính quyền các địa phương cùng toàn thể nhân dân. Thông qua các nội dung hoạt động cụ thể, phong trào đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy, hương ước, quy ước cộng đồng được người dân thực hiện nghiêm túc. Nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong xây dựng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư, gia đình, dòng họ văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua các giai đoạn sơ kết, tổng kết, đến nay, cả nước có trên 1,2 triệu gương “Người tốt, việc tốt” được suy tôn (trong đó, cấp tỉnh có trên 249 nghìn người, cấp huyện có trên 239 nghìn người, cấp xã có trên 712 nghìn người); 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá”; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Hệ thống thiết chế văn hoá được các địa phương quan tâm đầu tư, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp với 69 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 647/713 quận, huyện có Trung tâm Văn hoá - Thể thao; 6.997/10.878 xã, phường, thị trấn có NVH trung tâm (đạt tỷ lệ 64,3%); 73.748/109.727 làng (thôn, xóm, ấp, bản, TDP) có NVH (đạt tỷ lệ 69,4%). Từ 17.651 làng (thôn, xóm, ấp, bản, TDP) văn hoá được công nhận năm 2000, đến nay, cả nước có 69.024/106.382 làng (thôn, xóm, ấp, bản, TDP) văn hoá (trong đó trên 50% làng, thôn, xóm, TDP đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, NTM); 2.161 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hoá NTM”.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào. Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào dẫn đến việc phong trào phát triển chưa đồng đều ở các địa phương, vùng miền. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào chưa đầy đủ, toàn diện, sâu sắc. Việc đôn đốc kiểm tra thực hiện phong trào còn thiếu chủ động, phương pháp làm chưa thực sự đổi mới, nhiều nội dung văn hoá chưa thực hiện đầy đủ dẫn đến kết quả không vững chắc. Công tác quản lý, bình xét các danh hiệu văn hoá chưa chặt chẽ, thiếu công khai dân chủ, chưa bám sát tiêu chuẩn dẫn đến việc thực hiện phong trào còn mang tính hình thức, có biểu hiện chạy theo thành tích. Để tiếp tục triển khai các nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đề nghị các cấp uỷ Đảng, các địa phương cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò mục đích, ý nghĩa của phong trào, coi đó là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan thành viên trong BCĐ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nội dung của phong trào trong xây dựng môi trường văn hoá, hệ thống chính trị vững mạnh. Hoàn thiện thể chế, kịp thời bổ sung, ban hành các văn bản quản lý Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế về các danh hiệu văn hoá, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vận động nhân dân tích cực đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng NTM, thiết chế văn hoá, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hoá, thể thao của nhân dân trong thời kỳ hội nhập./.
Khánh Dũng