Ngày 14-9-2018, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hội nghị tham gia ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đồng chí Trương Anh Tuấn, TUV, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng được xây dựng gồm 11 chương, 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các nội dung: Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra ngoài khu vực Nhà nước; đối tượng kê khai tài sản và xử lý tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Trong đó, đại biểu cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Liên quan đến vấn đề cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, theo điều 31, tại các khoản 3, 8 quy định các cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ… và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình là chưa phù hợp vì vẫn còn nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập đồng thời đội ngũ cán bộ làm công tác này thực tế là cán bộ làm công tác tổ chức có thể dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng tập trung vào một số cơ quan nhất định có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập đồng thời phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy Nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi. Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo các khoản 1, 2, điều 35 quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: Cán bộ, công chức và sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân. Nếu quy định như vậy thì số người phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn trong khi khả năng, nguồn lực thực hiện của các cơ quan có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập có hạn dẫn đến hiệu quả chưa cao, đồng thời chưa thu hẹp được phạm vi đối tượng cần thiết phải kiểm soát. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và đảm bảo tính khả thi cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, dự thảo Luật nên có nội dung quy định về công khai minh bạch rõ ràng như Luật cũ; mức thu nhập cho cán bộ, công chức; mua thông tin về phòng, chống tham nhũng và công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị trong việc nghiên cứu và tham gia ý kiến đóng góp bổ sung vào dự thảo Luật. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp và trình Ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo Luật để xem xét./.
Văn Trọng