Ngày 6-8-2018, Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH) của tỉnh tiến hành giám sát kết quả 2 năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở với người có công với cách mạng tại huyện Trực Ninh. Tham gia Ðoàn giám sát có các đồng chí: Ðào Việt Trung, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Trương Anh Tuấn, TUV, Phó trưởng Ðoàn ÐBQH của tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Ðoàn ÐBQH của tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HÐND tỉnh, Sở LÐ-TB và XH.
Giai đoạn 2017-2018, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, gắn Chương trình mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng NTM, với các chính sách an sinh xã hội; gắn chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên tại các hộ dân và làm việc với Ban Giảm nghèo của các xã, thị trấn. Công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm được thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của người dân nên không có tình trạng khiếu nại, tố cáo trong công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết quả công tác giảm nghèo của huyện đã đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,34% (giảm 2,58% so với năm 2015), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 9,52% (giảm 1,5% so với năm 2015); năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,04% (giảm 1,3% so với năm 2016), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,04% (giảm 1,48% so với năm 2016); phấn đấu năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,54% (giảm 0,5%). Ðối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, thực hiện Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Trực Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn các xã, thị trấn, tổ chức thẩm định, kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng, giám sát chất lượng công trình, hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Thực hiện và giám sát việc cấp phát kinh phí hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch. Kết quả thực hiện chính sách đến 30-6-2018: tổng số tiền đã hỗ trợ: 8,46/31,78 tỷ đồng được cấp; tổng số hộ đã được hỗ trợ: 355 hộ/1.197 hộ (tương ứng 29,6%). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới áp dụng giai đoạn 2016-2020 theo hướng tiếp cận đa chiều dựa trên việc đánh giá tài sản để ước lượng thu nhập của hộ gia đình và thu thập các thông tin, thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ gia đình như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin có nhiều điểm mới nên một số Ban chỉ đạo của xã, thị trấn còn lúng túng, sai sót trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phải giám sát, hướng dẫn nhiều lần, tiến độ thực hiện chưa kịp thời. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế, việc lồng ghép thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác giảm nghèo có khi chưa đạt yêu cầu, kinh phí đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo còn hạn hẹp; định mức về suất vay, về hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo trong phát triển kinh tế gia đình, giáo dục còn ít. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chưa được thường xuyên, một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo. Công tác hỗ trợ đối với các hộ gia đình người có công với cách mạng đã tự ứng tiền ra để xây mới, sửa chữa nhà ở (từ năm 2014-2017) có tên trong Ðề án được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng đến năm 2018 thì cả đối tượng người có công và vợ (hoặc chồng) đều đã chết còn vướng mắc. Công tác vận động một số hộ gia đình người có công với cách mạng có tên trong Ðề án được UBND tỉnh phê duyệt tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở gặp nhiều khó khăn. Số lượng gia đình người có công đăng ký, đề nghị hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn huyện còn lớn.
Tại buổi giám sát, huyện Trực Ninh đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh: Ðiều chỉnh Nghị định số 136/2013/NÐ-CP để trẻ em bị nhiễm HIV, người bị nhiễm HIV không còn khả năng lao động, người đơn thân nuôi con nhỏ, người cao tuổi cô đơn thuộc diện hộ cận nghèo được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. Ngân hàng CSXH nâng định mức vốn vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất, đầu tư cho giáo dục. Cho phép sử dụng kinh phí còn dư đã cấp về UBND huyện Trực Ninh khi thực hiện xong việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (các hộ có tên trong Ðề án đã được UBND tỉnh phê duyệt) để hỗ trợ cho các hộ gia đình người có công khác trên địa bàn huyện thực sự có khó khăn về nhà ở (thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo Quyết định số 22/2013/QÐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ). Ðối với các hộ gia đình người có công với cách mạng đã tự ứng tiền ra để xây mới, sửa chữa nhà ở (từ năm 2014-2017) có tên trong Ðề án được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng đến năm 2018 thì cả đối tượng người có công và vợ (hoặc chồng) đều đã chết thì vẫn được nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí. Bố trí, cấp kinh phí quản lý thực hiện Ðề án trên địa bàn huyện Trực Ninh (đã được phê duyệt tại Quyết định số 431/QÐ-UBND ngày 14-3-2014 của UBND tỉnh Nam Ðịnh). Qua khảo sát thực tế tại xã Trực Hùng và nghe báo cáo của huyện, Ðoàn giám sát cũng đề nghị huyện Trực Ninh làm rõ thêm một số nội dung: Công tác quản lý, điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo; khó khăn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tác động giữa xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững; công tác dạy nghề cho hộ nghèo, bình xét hộ nghèo trên địa bàn huyện. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng và các giải pháp của địa phương...
Thay mặt Ðoàn giám sát, đồng chí Phó trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được và những vướng mắc, đề xuất của huyện Trực Ninh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở với người có công với cách mạng để báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu điều chỉnh phù hợp với thực tế./.
Văn Trọng