Ngày 25-7-2018, UBND tỉnh tổ chức giao ban công tác khắc phục hậu quả sau mưa và phòng chống rầy lưng trắng - bệnh lùn sọc đen đối với sản xuất vụ mùa 2018. Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các Cty KTCTTL trên địa bàn tỉnh.
Do ảnh hưởng của áp thấp kết hợp với hoàn lưu của bão số 3, từ ngày 13 đến 21-7 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn. Mặc dù các địa phương và các Cty KTCTTL đã tích cực tiêu úng cứu lúa, song do lúa mới cấy và sạ (thấp cây), cùng với thủy triều trong giai đoạn “cuối nghén - đầu con nước”; lũ trên các sông lớn dâng cao nên công tác khắc phục hậu quả mưa úng gặp khó khăn. Nhiều diện tích lúa mùa bị ngập kéo dài 6 đến 7 ngày gây thiệt hại nặng và phải gieo cấy lại. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến 16 giờ ngày 24-7 toàn tỉnh còn 3.758ha lúa bị ngập trắng và ngập phất phơ. Ðã có 30.689ha lúa bị thiệt hại, trong đó 20.643ha lúa phải gieo cấy lại, 10.046ha lúa phải dặm tỉa. Hiện, các địa phương đang tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng; họp triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa úng; chỉ đạo các xã, HTX kịp thời nhập giống lúa ngắn ngày cung ứng cho xã viên để ngâm gieo bổ sung. Các giống sử dụng gieo bổ sung chủ yếu gồm: TBR225, TH3-3, QR1, KD18 và BT7 kháng bạc lá; tuy nhiên vẫn còn gần 20% diện tích gieo cấy lại sử dụng thóc thịt BT7.
Về công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen, kết quả xét nghiệm vi-rút lùn sọc đen từ ngày 1 đến 24-7 tại tỉnh ta cho thấy có 5/46 mẫu rầy dương tính, có 4/29 mẫu mạ dương tính với vi-rút. Thời gian qua, các địa phương đã tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh lùn sọc đen, cụ thể: đã xử lý hạt giống cho 24.925ha lúa cấy và lúa sạ, đạt 32,6% diện tích gieo cấy. Phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ cho 100% diện tích mạ và 2.338ha lúa gieo sạ (đạt 11% tổng diện tích gieo sạ). Nhiều địa phương đã hỗ trợ thuốc xử lý hạt giống và thuốc trừ rầy cho các hộ nông dân phun tiễn chân mạ. Ðã xử lý kỹ thuật phòng bệnh lùn sọc đen bằng các biện pháp cho 117,6ha ruộng bỏ hoang. Sau đợt mưa úng, các địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xử lý hạt giống khi ngâm ủ bổ sung, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ nông dân chưa thực hiện. Hiện nay, rầy lưng trắng trưởng thành đang xuất hiện rải rác (nơi cao mật độ 1-2 con/m2, cá biệt 3-5 con/m2); trên lúa cấy sớm, mật độ rầy cám trung bình 30-80 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, cá biệt 300-400 con/m2. Rầy lứa 4 sẽ nở rộ từ ngày 26 đến 31-7; dự báo mật độ rầy trung bình 100-200 con/m2, nơi cao 300-500 con/m2, cá biệt 700-1.000 con/m2. Ðây là lứa quan trọng nhất trong vụ; tuy mật độ rầy ở lứa này không cao nhưng kéo dài và mức độ lây truyền bệnh lùn sọc đen rất cao.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Ðợt mưa úng vừa qua đã ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất vụ mùa từ thời vụ gieo cấy, thay đổi cơ cấu giống đến công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen, ngoài ra, mưa úng còn gây thiệt hại về kinh tế của bà con nông dân. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới vẫn tiếp tục có mưa. Vì vậy các địa phương cần phối hợp với các Cty KTCTTL tiêu kiệt nước, lộ mặt ruộng, hạ thấp nhất mực nước sông; sử dụng máy bơm dã chiến điều tiết nước cục bộ cho bà con nông dân gieo cấy, chăm sóc lúa ở những chân ruộng cao, hạn. Các Cty KTCTTL trong tỉnh cần phối hợp tốt với Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà thanh thải dòng chảy, làm thông thoáng kênh mương, nâng cao hiệu quả tưới, tiêu nước. Các huyện, thành phố tuyên truyền cho nhân dân ngăn chặn hạn chế việc xả thải rác xuống kênh mương. Các địa phương cần cân đối lượng mạ dự phòng, mạ bổ sung, huy động tối đa nhân lực để hoàn thành gieo cấy bổ sung trong thời gian sớm nhất, phấn đấu xong trước ngày 5-8; đồng thời tiến hành phân loại các trà, các giống lúa để có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ kịp thời, phù hợp. Sở NN và PTNT có hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cụ thể từng trà lúa với phương châm “sử dụng cân đối dinh dưỡng, hạn chế sử dụng phân đạm” tạo giàn lúa khỏe, hạn chế sâu bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh bạc lá. Qua kết quả phân tích vi-rút lùn sọc đen ở mạ, rầy có tỷ lệ tương đối cao, đặc biệt là một số mẫu ở các xã chưa xuất hiện bệnh lùn sọc đen như: Ðại An (Vụ Bản); Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); Nam Vân (TP Nam Ðịnh)… có kết quả dương tính với vi-rút lùn sọc đen. Trước dự báo rầy lứa 4 sẽ nở rộ từ ngày 26 đến 31-7, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố tổ chức phun trừ rầy lứa 4 đồng loạt, triệt để cho toàn bộ diện tích lúa ít bị ảnh hưởng của mưa bão bằng bộ thuốc trừ rầy theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT từ ngày 26 đến 31-7; thực hiện phun kép (phun lần 2 sau lần 1 từ 4-5 ngày)./.
Ngọc Ánh