* Thiệt hại ban đầu do bão và mưa úng gần 185 tỷ đồng
Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2018, toàn tỉnh gieo cấy 76.500ha. Ðến nay, diện tích lúa đã cấy và sạ được 62.260ha, đạt 81% kế hoạch diện tích gieo cấy. Trong đó, diện tích sạ là 21.015ha, cấy 41.245ha. Từ ngày 13-7 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, rải rác có mưa to. Trong khi đó, mực nước trên các sông lớn dâng cao do xả lũ, trùng với giai đoạn thủy triều “cuối nghén - đầu con” khiến việc tiêu thoát nước khó khăn. Tất cả các hệ thống thủy nông của tỉnh đang tập trung triển khai tiêu rút nước. Hệ thống các trạm bơm điện lớn của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đang hoạt động bơm tiêu là 65 máy; các Cty KTCTTL trong tỉnh 136 máy; các địa phương vận hành hệ thống máy bơm dã chiến 130 máy để tiêu nước. Theo báo cáo của các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL, tính đến 7 giờ sáng ngày 19-7-2018, có 21.518ha diện tích lúa bị ngập úng, chiếm 34,6% diện tích lúa đã cấy. Về công tác dự phòng mạ phục vụ sản xuất (quy ra diện tích lúa) như sau: Diện tích mạ đã gieo nhưng chưa cấy là 15.960ha; giống đã gieo 95ha; giống đang ngâm ủ 3.740ha.
Ðể khắc phục hậu quả của mưa úng, bảo vệ lúa mùa, Sở NN và PTNT đề nghị UBND, Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố và các Cty KTCTTL tranh thủ tối đa thủy triều, vận hành tối đa công suất các trạm bơm và bằng mọi biện pháp khẩn trương tiêu, rút nước mặt ruộng và nước đệm trên các tuyến kênh. Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà vận hành các trạm bơm lớn, các Cty KTCTTL của tỉnh khoanh vùng, vận hành máy bơm dã chiến và các trạm bơm điện để khẩn trương tiêu rút nước nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa úng gây ra đối với lúa mùa và tiếp tục phòng chống mưa lớn. Chăm sóc, bảo vệ tốt lượng mạ còn dư để cấy bù, cấy dặm cho những diện tích bị thiệt hại do mưa úng; đối với mạ nền phải tưới nước bùn loãng có hòa thêm phân đạm urê (20-30g/10m2 mạ) và phân lân (0,3-0,5kg lân super/10m2 mạ); đối với diện tích mạ dược phải đắp bờ ngăn nước để không bị ngập, đồng thời bón bổ sung phân đạm (0,5-1kg urê/sào mạ). Những diện tích lúa mùa có nguy cơ thiệt hại nặng phải gieo ngay mạ dự phòng (mạ nền) bằng các giống ngắn ngày (TH3-3; QR1; TBR 225; Khang dân 18) để có đủ mạ cấy hết diện tích sau ngập úng. Lưu ý, toàn bộ lượng giống lúa gieo bổ sung phải xử lý hạt giống bằng các thuốc Kola 600FS; Cruiser plus 312,5FS; Gaucho 600FS… Mạ gieo bổ sung trước khi cấy phải được phun thuốc trừ rầy tiễn chân mạ (Actara 25WG, Amira 25WP, Midan 10WP…). Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại ở từng trà lúa, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục kịp thời phù hợp. UBND các huyện, thành phố tăng cường cán bộ về các xã, thị trấn chỉ đạo triển khai các phương án phòng chống và khắc phục hậu quả mưa úng.
Bão số 3 ảnh hưởng đến tỉnh ta bắt đầu từ 17 giờ đến 20 giờ ngày 18-7-2018, gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 tại Văn Lý (Hải Hậu); mực nước triều tại thời điểm bão đổ bộ khoảng +1,5m gây sóng lớn phủ khoảng 3/4 mái kè phía biển, có điểm đến đỉnh tường kè; đến khoảng 20 giờ 30 phút hết bão và mực nước hạ thấp; lượng mưa bình quân trong bão từ 20-70mm. Trước đó, từ ngày 13 đến ngày 17-7, các huyện, thành phố có mưa, mưa vừa, rải rác có mưa to; lượng mưa cả đợt bình quân toàn tỉnh là 283,5mm, một số nơi có lượng mưa lớn là: Vụ Bản 328mm, Hải Hậu và Giao Thủy 322mm, Trực Ninh 310mm…
Theo báo cáo ban đầu của các địa phương trong tỉnh, do không ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nên không có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, ảnh hưởng của mưa lũ đã gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và một số công trình đê điều. Ðánh giá sơ bộ đến thời điểm này, mưa lũ đã làm thiệt hại 15 nghìn ha lúa mùa và 3.600ha cây rau màu. Về công trình đê điều, 9m đê bối Ðồng Tâm (Vụ Bản) bị sạt mái, 30m mái kè bờ bao Yên Bằng (Ý Yên) bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại là 184 tỷ 950 triệu đồng. Các huyện, thành phố đang tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại sau bão./.
Ngọc Ánh