Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Bộ GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký Công văn số 3060, ngày 20-7, yêu cầu các địa phương rà soát các khâu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đề nghị công an phối hợp điều tra nếu phát hiện sai phạm.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là coi, chấm thi nhằm đảm bảo công bằng, khách quan; kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh.
Quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD và ÐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy chế và pháp luật.
Bộ GD và ÐT yêu cầu triển khai công tác khảo thí và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định, quy chế và quyền lợi của thí sinh.
Bộ cũng phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu. Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực, khách quan, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD và ÐT, đồng thời phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi sau.
Trong quá trình rà soát, trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, quán triệt công tác truyền thông nhằm đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, không lợi dụng những sai phạm trong phòng thi để làm ảnh hưởng trật tự xã hội, tổn thương đội ngũ nhà giáo, cũng như tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.
Trưởng ban chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo nghiêm túc các nội dung trên và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GD và ÐT (qua Cục Quản lý Chất lượng) trước ngày 1-8. Ngay sau vụ việc phát hiện sai phạm nghiêm trọng ở Hà Giang khi hơn 300 bài thi trắc nghiệm được nâng điểm, một loạt nghi vấn về những bất thường tại các cụm thi tỉnh Lạng Sơn và Sơn La. Ngày 18-7, Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ ký quyết định thành lập tổ công tác của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018 với nhiệm vụ giúp bộ trưởng chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GD và ÐT tỉnh Lạng Sơn và Sơn La trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ở Lạng Sơn, xuất phát từ bảng danh sách gồm 35 thí sinh được cho là có điểm cao bất thường lan truyền trên mạng xã hội. 35 thí sinh này có số điểm 3 môn Toán, Văn, Lịch sử cao bất thường, ở mức 8 và 9 mỗi môn. Trong đó, có 5 thí sinh đạt điểm 9 môn ngữ Văn, 23 thí sinh đạt từ 8 đến 8,75 điểm. Ðáng chú ý, nhiều trường hợp là thi sinh thi lại nhiều lần trong các năm học. Ðáng chú ý, hầu hết các thí sinh trong bảng danh sách nêu trên có các năm sinh từ 1994-1997 trong khi thí sinh thi THPT quốc gia 2018 chủ yếu là thí sinh sinh năm 2000.
Tại Sơn La, dư luận đặt câu hỏi ở một số trường hợp có điểm cao bất thường. Theo phổ điểm của Bộ GD và ÐT, năm 2018 tỉnh Sơn La có hơn 10.250 thí sinh dự thi môn Toán, trong đó 30 em đạt điểm từ 9 trở lên. Tỷ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý cao hơn trung bình chung.
Tỉnh Sơn La có hơn 10 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Qua thống kê dữ liệu điểm thi, tỉnh Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước.
Cùng với đó, một số tỉnh như Bạc Liêu, Hòa Bình cũng bị dư luận đặt vấn đề về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 là cao bất thường./.
PV