Ngày 30-5-2018, UBND tỉnh có Công văn số 390/UBND-VP3 chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra và quyết tâm giành thắng lợi sản xuất vụ mùa năm 2018.
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT phải đặc biệt coi trọng và chủ động ngay từ đầu vụ các giải pháp, phương án ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận và nguy cơ gây hại cao của bệnh lùn sọc đen khi xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa. Cần thống nhất với các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ cơ cấu giống đã xây dựng; không sử dụng giống lúa Bắc thơm 7 nhiễm rầy và bệnh bạc lá trong sản xuất vụ mùa. Thống nhất phương pháp gieo cấy và quy trình thâm canh cụ thể đối với từng giống lúa phù hợp với đặc thù của các địa phương và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyên truyền và yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 24-5-2018 về phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa năm 2018. Tổ chức ký giao ước thi đua với UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa 2018. Các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác tham mưu, chỉ đạo và kết quả sản xuất vụ mùa. UBND các huyện, thành phố phải tổ chức đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế của địa phương trong sản xuất vụ mùa những năm qua, nhất là vụ mùa 2017, đồng thời căn cứ vào kế hoạch sản xuất chung của Sở NN và PTNT xây dựng kế hoạch sản xuất của địa phương và chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất. Thống nhất chỉ đạo các xã, thị trấn về cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và biện pháp kỹ thuật thâm canh đối với từng giống; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Địa phương nào tự ý gieo cấy không theo phương án đã thống nhất giữa huyện với xã, thị trấn thì phải tự chịu trách nhiệm. Phối hợp với các Cty KTCTTL thống nhất phương án vận hành hệ thống thủy lợi trên địa bàn; đối với các huyện trong cùng hệ thống thủy lợi cần phải thống nhất thời vụ gieo cấy, phương án vận hành hệ thống đảm bảo tính liên vùng hiệu quả. Chỉ đạo các xã, thị trấn tu sửa kênh mương cấp ba, quản lý tốt kênh mương đảm bảo hệ thống kênh mương thông thoáng, nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật theo chỉ đạo của Sở NN và PTNT; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phụ trách khối chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác chỉ đạo và kết quả sản xuất vụ mùa trên địa bàn. Các Cty KTCTTL cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch lấy nước tưới hợp lý, lấy nước nhanh, tiêu nước nhanh. Mỗi đơn vị xây dựng 3 phương án vận hành hệ thống tương ứng với các kịch bản khác nhau trong điều kiện sản xuất vụ mùa cho từng vùng cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú ý khoanh vùng tiêu úng và thống nhất với UBND các huyện, thành phố về các phương án vận hành trên. Trong chỉ đạo vận hành hệ thống phải linh hoạt, sát thực tế, phát huy cao nhất hiệu quả các công trình thủy lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Chủ động tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi, bảo trì, bảo dưỡng máy bơm, trạm bơm ngay từ đầu vụ, đảm bảo 100% số máy bơm, trạm bơm, các cống tiêu úng sẵn sàng hoạt động, nhất là các cống trạm bơm đầu mối. Nạo vét, giải tỏa, khơi thông dòng chảy trên toàn hệ thống kênh tưới tiêu, đặc biệt là trên các trục tiêu chính… đảm bảo tưới, tiêu chủ động, hiệu quả cao nhất. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời hư hỏng, sự cố công trình; chú ý những vị trí bị ách tắc do thi công đường giao thông hoặc các công trình xây dựng làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Củng cố hệ thống bờ vùng, bờ thửa; chuẩn bị tốt các phương án tiêu úng cục bộ. Chủ tịch các Cty KTCTTL ký cam kết với các huyện, thành phố và Sở NN và PTNT về việc tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng chống úng ngập. Công an tỉnh, Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với Sở NN và PTNT tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở NN và PTNT tăng thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo vệ cây trồng; hoạt động của các Cty KTCTTL; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp. Công khai thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật./.
Nguyễn Hương