Bộ Tư pháp cho biết, hiện 63 đơn vị (gồm Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 62 sở tư pháp) đang sử dụng Phân hệ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, trong đó có 57 đơn vị đã tích hợp đăng ký trực tuyến với dịch vụ nhận hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu thông qua dịch vụ bưu chính.
Việc này bảo đảm cấp phiếu lý lịch tư pháp - có giá trị chứng minh một người có hay không có án tích, bản án, quyết định xử phạt của tòa án; có đang bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm các chức vụ, hoặc thành lập, quản lý công ty, doanh nghiệp… được nhanh chóng, thuận tiện.
Mặc dù đạt nhiều kết quả như trên, nhưng việc triển khai dịch vụ công mức độ 3 trong cấp phiếu lý lịch tư pháp còn tồn tại một số khó khăn. Nổi bật là nhiều công dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chỉ cần có một văn bản điện tử xác nhận thông tin về lý lịch tư pháp, thay vì nhận bản giấy, nhưng do pháp luật về lý lịch tư pháp chưa cho phép điều này, nên để có thông tin về lý lịch tư pháp của bản thân, người có nhu cầu phải đợi để nhận bản giấy và phải trả một khoản phí bưu chính không nhỏ cho việc nhận phiếu, gây mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có cơ chế pháp lý cụ thể cho phép áp dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến thông qua hình thức chuyển khoản, hoặc thanh toán thông qua các cổng thanh toán trực tuyến.
Để giải quyết vướng mắc trên, giảm tối đa thời gian, kinh phí thực hiện giao dịch, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đề xuất có thể nghiên cứu áp dụng phiếu lý lịch tư pháp điện tử (có xác nhận thông qua chữ ký số của thủ trưởng cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp) để trong trường hợp người đăng ký cấp phiếu không cần bản giấy thì có thể gửi trả phiếu lý lịch tư pháp điện tử qua email./.
PV