Từ ngày 1-7-2018, 9 Luật sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là các Luật: Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt; Luật Tiếp cận thông tin.
Quản lý rủi ro đối với nợ công
Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.
Luật tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật là trước đây nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nay chuyển về Bộ Tài chính.
Thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành.
Luật bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013.
Xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Luật Cảnh vệ có 6 chương, 33 điều. Về đối tượng cảnh vệ, biện pháp, chế độ cảnh vệ áp dụng đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngoài ra, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ. Biện pháp cảnh vệ được áp dụng đối với khu vực trọng yếu, các sự kiện đặc biệt quan trọng. Các quy định về đối tượng cảnh vệ, biện pháp về chế độ quy định tại chương này cơ bản kế thừa các quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005. Theo đó, không bổ sung đối tượng cảnh vệ.
Khắc phục bất cập trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Về quy định nổ súng, Luật quy định cụ thể các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự; theo đó, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Luật quy định thành nhóm các trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và nhóm các trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Đồng thời, Luật quy định nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng theo hướng: khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng và phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra... nhằm bảo đảm tính khái quát áp dụng chung cho các loại vũ khí quân dụng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 78 điều, trong đó, Luật bổ sung 1 điều quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, về cơ bản, nguyên tắc bồi thường được kế thừa như quy định của luật hiện hành. Theo đó, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
Nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia
Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương. Luật bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi
Luật Thủy lợi quy định rõ nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Quy định chuyển từ “phí’’ sang “giá’’ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục vụ’’ sang thủy lợi “dịch vụ’’, gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ thủy lợi hiểu rõ bản chất nước là hàng hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt
Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt năm 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung.
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân
Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo đó, Luật quy định chủ thể quyền tiếp cận thông tin là công dân. Bên cạnh đó, Luật quy định việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng là người mất hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người dưới 18 tuổi thực hiện quyền tiếp cận thông tin qua người đại diện pháp luật. Đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được bảo hộ một số quyền, lợi ích chính đáng theo nguyên tắc đối xử quốc gia hoặc có đi có lại, bởi vậy, Luật chỉ được yêu cầu cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ. Công dân được tiếp cận thông tin bằng hai cách thức: Tự do tiếp cận thông tin do cơ quan Nhà nước công khai và yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin./.
PV