Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 4 tháng đầu năm ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 chỉ sau điện thoại các loại và linh kiện.
Trong quý 1-2018, Mỹ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chiếm 47,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, đạt 3,04 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch hàng dệt may của cả nước, đạt 855,44 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 798,6 triệu USD, chiếm 11%, tăng 14,8%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 268,95 triệu USD, chiếm 4,2%, tăng 40,9%.
Thị trường các nước EU nói chung chiếm 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đạt 806,23 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 3,6% tổng kim ngạch, đạt 228,36 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đạt mục tiêu 35 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề của công nhân, cũng như đổi mới phương thức quản lý, qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á - Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ La-tinh... trong đó, cần tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại./.
PV