Sáng 29-5, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, Dương lịch 2018 đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.
Dự lễ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tôn giáo bạn cùng đông đảo Phật tử.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562.
Thông điệp nêu rõ những thành tựu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong những năm qua, tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam nâng cao tinh thần: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, nỗ lực không ngừng để Đạo Phật tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.
Diễn văn Phật đản do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày khẳng định Đại lễ Phật đản năm nay được tăng ni, Phật tử Việt Nam long trọng kỷ niệm trong niềm hoan hỉ vô biên của dư âm thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, với 9 mục tiêu, phương hướng mang tầm chiến lược; hướng tới phát triển Giáo hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, kế thừa tinh hoa 2.000 năm Phật giáo Việt Nam gắn liền với dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Trong thời gian tới, Giáo hội sẽ tập trung nêu cao tính kỷ cương, hành chính, giới luật để trang nghiêm Giáo hội. Giáo hội kêu gọi toàn thể tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài nỗ lực trong tu tập Giới - Định - Tuệ thông qua chính đạo, thực hiện lời dạy của Đức Phật; sống hòa hợp vì phận sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đại lễ Phật đản không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật ở Việt Nam, mà còn là một lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận từ năm 1999. Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đảm bảo sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam với truyền thống gần 2.000 năm luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Ngày nay, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sinh động sự gắn bó giữa đạo với đời. Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần “Hộ quốc an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng vươn lên, từng bước củng cố, phát triển lớn mạnh về mọi mặt; thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, giữ gìn, tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật; tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ổn định, lành mạnh.
Với truyền thống của Phật giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương hướng tu hành; khẳng định giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của tăng ni, Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng phồn vinh./.
Theo qdnd.vn