Vắc-xin mới ComBe Five có tác dụng tương tự, trẻ không cần tiêm lại từ đầu

08:04, 18/04/2018

Vắc-xin 5 trong 1 ComBe Five do Ấn Độ sản xuất đã được Bộ Y tế chọn thay thế vắc-xin Quinvaxem trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đó là thông tin được đưa ra trong Hội thảo truyền thông về một số loại vắc-xin mới sẽ triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2018.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Vắc-xin ComBe Five do Cty Biological E của Ấn Độ sản xuất, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5-2017. Vắc-xin này có thành phần, công dụng tương tự như Quinvaxem; đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia với hơn 400 triệu liều.

Theo Bộ Y tế, dự kiến việc chuyển đổi sử dụng vắc-xin ComBe Five sẽ được triển khai trên toàn quốc trong tháng 6, tháng 7 năm 2018. Trước khi triển khai trên toàn quốc, dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ triển khai tiêm trước tại 4 tỉnh: Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp để có thêm kinh nghiệm; sau đó mới triển khai tại hơn 11 nghìn điểm tiêm chủng trên toàn quốc. 

“Vắc-xin ComBe Five sẽ được tiêm miễn phí tại tất cả các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc và tại một số điểm tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay, vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho tới khi được thay thế bằng vắc-xin mới để đảm bảo trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Do có thành phần, công dụng tương tự như Quinvaxem nên việc chuyển đổi sang vắc-xin ComBe Five sẽ rất thuận lợi. Cụ thể, với những trẻ đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc-xin Quinvaxem thì sẽ được tiêm vắc-xin ComBe Five trong liều tiếp theo và không phải tiêm lại từ đầu”, PGS.TS Trần Như Dương cho biết.

Cũng theo PGS.TS Trần Như Dương, tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin ComBe Five tương tự như các vắc-xin 5 trong 1 có cùng thành phần. Trước khi quyết định đưa vào sử dụng, vắc-xin ComBe Five đã được tiêm tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam là Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng và Thanh Liêm từ năm 2016. Kết quả, sau tiêm chủng chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường xuất hiện vào ngày thứ nhất sau tiêm vắc-xin bao gồm: Phản ứng tại chỗ tiêm đau, quầng đỏ với tỷ lệ từ 5-15%; sốt với tỷ lệ 34-39%; đặc biệt, không ghi nhận bất kỳ phản ứng nặng nào sau tiêm chủng.

Các chuyên gia cũng lưu ý, không tiêm vắc-xin ComBe Five cho trẻ nếu: Tiền sử có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B với các phản ứng trong vòng 48 giờ sau tiêm với các biểu hiện như: Bị sốc; co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin; sốt cao trên 39 độ C; khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm; đặc biệt hoãn tiêm với trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Hiện nay nguy cơ trẻ mắc ho gà đang có xu hướng tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com