Ngày 20-4-2018, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ: Trịnh Đình Dũng, Vương Đình Huệ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học liên quan trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở KH và ĐT; lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20 nghìn tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng. Nguyên nhân là do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng và pháp luật về hợp đồng xây dựng. Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan Nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ. Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng, shop house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng đã phát biểu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản được hiệu quả nhất. Các bộ, ngành đã tập trung thảo luận về các vướng mắc trong thể chế chính sách thực thi và công tác chỉ đạo thực hiện các thể chế chính sách. Tập trung rà soát, đề xuất bổ sung sửa đổi tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định về đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các luật, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, xây dựng. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng kiên quyết loại bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác. Các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh cần công khai, minh bạch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ và rút ngắn thời gian thực hiện, không gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nhanh chóng hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi 4 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 bảo đảm. Khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; trình Chính phủ trong tháng 11-2018. Triển khai đồng bộ, kịp thời các Đề án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, lãng phí. Bộ KH và ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Bộ TN và MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần phải nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, trả lời vướng mắc, khó khăn, kiến nghị. Các văn bản trả lời vướng mắc, kiến nghị phải được gửi đến cá nhân, tổ chức có kiến nghị; đồng thời, gửi Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp, đăng tải trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc tiếp nhận, trả lời các vướng mắc, kiến nghị trong đầu tư, xây dựng; tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Chính phủ kịp thời tổng hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đăng tải các nội dung trả lời vướng mắc, kiến nghị ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các bộ, ngành, ban liên quan tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng cơ bản trong quý II năm 2018, tạo động lực thúc đẩy quá trình giải ngân vốn ngân sách Nhà nước, thu hút đầu tư xây dựng ngày càng mạnh mẽ hơn./.
Đức Toàn