Ngày 16-4-2018, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN |
Cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký kinh doanh chuyên ngành dịch vụ logistics. Ngoài ra còn có trên 3.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một phần dịch vụ vận tải trong chuỗi cung ứng logistics. Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và bền vững. Tuy nhiên, điểm yếu của chuỗi logistics tại Việt Nam là kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, đặc biệt là kết nối cảng biển với đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển còn chắp vá; kết nối giữa nhà sản xuất/đơn vị nhập khẩu với doanh nghiệp vận tải, kho vận, cảng biển và các cơ quan hải quan, kiểm dịch còn rời rạc. Tính kết nối kém và sự phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế sự phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp logistics quá nhỏ… là những lý do khiến ngành logistics của Việt Nam chưa thể bứt phá. Chi phí logistics của Việt Nam hiện nay vào khoảng 20-21% GDP, đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN. Trong tổng chi phí logistics hiện nay, chi phí giao thông vận tải còn quá cao, chiếm khoảng 60%. Theo các chuyên gia, tiềm năng để ngành logistics ở Việt Nam tiếp tục phát triển còn rất lớn; đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho ngành logistics.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến dịch vụ logistics, vận tải đã phát biểu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để hoạt động logistics, kinh doanh vận tải thuận lợi, hiệu quả nhất. Các bộ, ngành đã tập trung thảo luận về các vướng mắc trong thể chế chính sách thực thi và công tác chỉ đạo thực hiện các thể chế chính sách; đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng tạo điều kiện kết nối đồng bộ hạ tầng; tính kết nối của các loại hình vận tải; phát triển doanh nghiệp và nguồn nhân lực phục vụ phát triển logistics. Từ đó kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những bất cập, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trong lĩnh vực GTVT.
Nhằm tạo sự đột phá trong phát triển vận tải, góp phần giảm chi phí vận tải, phát triển dịch vụ logistics, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp khai thông hành lang vận tải, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước. Bộ GTVT là đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, đặc biệt xử lý các vấn đề tồn tại trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, khai thác dịch vụ logistics, đẩy mạnh quan hệ quốc tế, phát triển cảng nước sâu, phát triển các loại hình giao thông theo hướng kết nối, đẩy mạnh đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút doanh nghiệp tham gia các dịch vụ kết nối và đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, giảm chi phí logistics. Bộ Công thương chủ trì thực hiện kế hoạch phát triển hàng hóa, phát triển các mặt hàng công nghiệp phụ trợ, công nghiệp thiết bị chế tạo; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện tốt quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng logistics trên quy mô tập trung, phát triển các trung tâm có tầm cỡ hội nhập quốc tế. Bộ KH và ĐT tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển và cơ chế phát triển hàng hóa khu kinh tế, KCN. Bộ Tài chính cải tiến các chính sách thuế, giá dịch vụ vận tải. Bộ NN và PTNT rút ngắn thời gian kiểm tra, tạo nguồn hàng. Bộ GD và ĐT, Bộ LĐ-TB và XH phối hợp tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đủ trình độ, năng lực phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới. Bộ TT và TT chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ thống logistics đối với sự phát triển của đất nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu hỗ trợ các gói tín dụng: đóng mới cải tạo tàu, phương tiện vận chuyển nội địa; đầu tư nâng cấp thiết bị xếp dỡ hàng hóa hiện đại tại các cảng thủy nội địa, nhà ga đường bộ; phát triển đường sắt chuyên dụng kết nối đường sắt tại các KCN, cảng biển; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng liên kết dịch vụ logistics. Các địa phương cần chủ động bố trí quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm hàng hóa, hệ thống cầu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng mạng lưới logistics hiện đại; căn cứ định hướng phát triển kinh tế địa phương để chủ động phối hợp các bộ, ngành tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống dịch vụ logistics trên địa bàn. Đối với các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, kinh doanh dịch vụ logistics, phải hình thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp. Ngoài ra các doanh nghiệp cần chú ý ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập thương mại toàn cầu khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên chính thức có hiệu lực./.
Thanh Thuý